Trang chủ Đào tạo Luận án Tiến sĩ

Nghiên cứu sinh Vương Thị Mai Thi bảo vệ thành công LATS cấp Viện



Nghiên cứu sinh Vương Thị Mai Thi bảo vệ thành công LATS cấp Viện


Dưới sự hướng dẫn khoa học của PGS.TS. Đinh Xuân Thắng, sáng thứ Hai, ngày 22/4/2024, NCS Vương Thị Mai Thi đã bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ kỹ thuật cấp Viện tại Hội đồng chấm Luận án Viện Môi trường và Tài nguyên (MT&TN), Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, ngành Quản lý tài nguyên và môi trường, Mã ngành: 62.85.01.01. 

 

GS.TS. Phan Đình Tuấn (Trường ĐH Tài Nguyên và Môi Trường TP.HCM) - chủ tịch Hội đồng đã điều khiển phiên họp. Ba người phản biện của luận án tiến sĩ bao gồm: PGS.TS. Lê Thị Kim Oanh (Trường ĐH Văn Lang); PGS.TS. Hồ Quốc Bằng (ĐHQG-HCM) và PGS.TS. Đỗ Thị Thu Huyền (Viện MT&TN - ĐHQG-HCM). Hội đồng có sự tham gia của hai ủy viên là GS.TS. Lê Thanh Hải (Viện MT&TN - ĐHQG-HCM) và PGS.TS. Lê Quốc Tuấn (Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM cùng thư ký hội đồng là TS. Nguyễn Thanh Hùng (Viện MT&TN – ĐHQG-HCM). Buổi bảo vệ đã diễn ra long trọng với sự tham gia của GVHD, cán bộ khoa học, NCS, HVCH trong và ngoài Viện.

 

Hình 1. GS.TS. Phan Đình Tuấn - Chủ tịch Hội đồng điều khiển phiên họp

 

Việc phát triển mô hình KCN phát thải các-bon thấp đã được áp dụng rộng rãi tại các quốc gia trên thế giới. Với những lợi ích KCN phát thải các-bon thấp mang lại như là tiêu thụ năng lượng, tăng hiệu suất sử dụng năng lượng sạch, tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên nhất là nhiên liệu hóa thạch, hiện đại hóa công nghệ, hạn chế tối đa phát thải các-bon, khu công nghiệp phát thải các-bon thấp đáp ứng được cả mục tiêu tăng trưởng xanh và mục tiêu giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu. Để góp phần xây dựng phát triển các KCN theo hướng giảm phát thải khí nhà kính, cần có một công cụ hiệu quả để xác định, phân tích và đánh giá mức độ phát thải các-bon từ khu công nghiệp. Cụ thể, cần phải xây dựng bộ chỉ thị và chỉ số đánh giá mức độ phát thải cacbon cho khu công nghiệp. Do đó, đề tài “Nghiên cứu bộ chỉ thị và chỉ số đánh giá mức độ phát thải các-bon cho khu công nghiệp, áp dụng thử nghiệm tại KCN Trảng Bàng tỉnh Tây Ninh” là cần thiết, mang tính thời sự nhằm góp phần bổ sung phương pháp luận và phương pháp đánh giá mức độ phát thải các-bon cho KCN, từ đó đề xuất các giải pháp cải thiện và giảm thiểu phát thải các-bon đối với các KCN hiện hữu, tiếp cận với các mô hình KCN phát thải các-bon thấp.

 

Hình 2. NCS. Vương Thị Mai Thi trình bày tóm tắt nội dung LATS trước Hội đồng

 

Luận án đã bổ sung cơ sở lý luận xây dựng danh sách chỉ thị đánh giá phát thải các-bon cho khu công nghiệp. Bộ chỉ thị được sử dụng để đo lường, mô tả, dự báo, đánh giá mức độ phát thải các-bon cho KCN;  Vận dụng các bước xây dựng chỉ số, để làm cơ sở lý luận cho việc xây dựng bộ chỉ thị và chỉ số đánh giá phát thải các-bon cho khu công nghiệp, cho kết quả khách quan và khoa học. Kết quả nghiên cứu này cho phép có thể áp dụng rộng rãi cho các KCN của Việt Nam. Luận án đã đề xuất chỉ số đánh giá phát thải các-bon theo phương pháp chuẩn hóa min-max. Chứng minh tính khả thi của việc vận dụng phương pháp bằng việc áp dụng đánh giá mức độ phát thải các-bon tại KCN Trảng Bàng.

 

Hình 3. Mối quan hệ giữa các chỉ thị đánh giá KCN phát thải các-bon thấp

 

 

Hình 4.  Các thành viên hội đồng đọc nhận xét đánh giá luận án

 

NCS đã có 05 công bố liên quan đến luận án trong đó có 01 công bố quốc tế Scopus (IOP Hội thảo quốc tế) và 04 công bố trong nước tại Tạp chí Phát triển Khoa học và Công nghệ ĐHQG-HCM (chuyên san Khoa học Trái đất và Môi trường), Tạp chí Khoa học BĐKH và Tạp chí Môi trường (đều thuộc danh mục theo qui định của HĐGSNN). Luận án hội đủ các điều kiện cần thiết đối với luận án tiến sĩ (với 7 phiếu tán thành). Hội đồng chấm luận án Tiến sĩ cấp Viện thống nhất và kiến nghị cơ sở đào tạo công nhận trình độ và cấp bằng Tiến sĩ cho nghiên cứu sinh Vương Thị Mai Thi.

 

Hình 5. PGS.TS. Đinh Xuân Thắng (GVHD) nhận xét đánh giá quá trình học tập của NCS

 

Hình 6. Thành viên Hội đồng và GVHD chụp hình chúc mừng NCS Vương Thị Mai Thi bảo vệ thành công LATS cấp Viện

Thông tin khác