Hội thảo tổng kết đề tài “Nghiên cứu xây dựng và triển khai một số mô hình giảm thiểu và xử lý chất thải phù hợp với các điều kiện tự nhiên đặc thù tại vùng nông thôn đồng bằng sông Cửu Long”
Trong khuôn khổ Chương trình “Nghiên cứu khoa học và công nghệ phục vụ bảo vệ môi trường và phòng tránh thiên tai (Mã số: KC.08/16-20)”, Cơ quan chủ trì - Viện Môi trường và Tài nguyên – Đại học Quốc gia TP.HCM đã tổ chức Hội thảo tổng kết đề tài “Nghiên cứu xây dựng và triển khai một số mô hình giảm thiểu và xử lý chất thải phù hợp với các điều kiện tự nhiên đặc thù tại vùng nông thôn đồng bằng sông Cửu Long” Mã số đề tài: KC08.19/16-20. Hội thảo có sự tham gia của các chuyên gia đến từ các trường Đại học, Viện nghiên cứu trên địa bàn TP.HCM, cán bộ và học viên của Viện Môi trường và Tài nguyên.
Đề tài do NCS.ThS Nguyễn Thị Phương Thảo làm chủ nhiệm được thực hiện từ 01/10/2018 đến 31/3/2021 và đã thực hiện 08 nội dung, đáp ứng được mục tiêu đề ra:
(1) Đã tổng quan, đánh giá được các mô hình, giải pháp ngăn ngừa, xử lý chất thải đã và đang thực hiện ở các quốc gia trên thế giới áp dụng cho các khu vực nông thôn ở các vùng sinh thái khác nhau, đặc biệt là vùng mặn, phèn hoặc vùng có điều kiện tự nhiên khó khăn, có điều kiện tương tự Việt Nam nói chung và ĐBSCL nói riêng.
(2) Mô tả được hiện trạng đặc thù của người dân nông thôn ĐBSCL (về phân bố, phong tục, tập quán,…) cùng các hoạt động công, nông nghiệp và dân sinh đặc thù của người dân ở khu vực nông thôn của 03 vùng sinh thái mặn, ngọt và phèn tại ĐBSCL và những tác động môi trường đáng quan tâm. Dự báo được diễn biến của những vấn đề điều kiện vệ sinh, chất lượng môi trường tại các khu vực này trong thời gian sắp tới.
(3) Đánh giá được hiện trạng và hiệu quả trong các mô hình và giải pháp ngăn ngừa và xử lý chất thải môi trường đã triển khai cho các hoạt động sinh kế chính của người dân tại các vùng sinh thái khác nhau, đặc biệt là vùng mặn, phèn và các vùng có điều kiện tự nhiên khó khăn, ở các khu vực nông thôn Đồng bằng sông Cửu Long.
(4) Xây dựng được bộ tiêu chí/chỉ số để phát triển các mô hình ngăn ngừa, giảm thiểu và xử lý chất thải và phương pháp luận để lựa chọn các giải pháp đặc biệt là các giải pháp tận dụng điều kiện tự nhiên sẵn có (hệ thực vật, ao, hồ,... ) cũng như khắc phục được các ảnh hưởng bởi các điều kiện tự nhiên đặc thù (nhất là vùng mặn, phèn, vùng bị ảnh hưởng bởi thời tiết cực đoan) đến các giải pháp công trình chuyển đổi chất thải, xử lý ô nhiễm để phục vụ xây dựng mô hình giảm thiểu, xử lý theo hướng khép kín các dòng vật chất và năng lượng.
(5) Đề xuất được 03 mô hình ngăn ngừa và xử lý ô nhiễm môi trường tổng quát cho 03 vùng sinh thái mặn, ngọt và phèn. Các mô hình này khi áp dụng cho từng đối tượng, khu vực sẽ phát huy hết được ưu điểm về kỹ thuật, chi phí, điều kiện sinh thái,…
(6) Áp dụng các mô hình đề xuất để triển khai thí điểm thành công 06 mô hình cho 03 vùng mặn, ngọt và phèn, mỗi vùng 02 mô hình (mô hình đơn hộ và mô hình cụm hộ) với các sinh kế chính đặc trưng vùng nông thôn ĐBSCL bị nhiễm mặn, phèn. Ngoài hiệu quả thực tế từ mô hình (môi trường, kinh tế, sinh kế, xã hội và khắc phục các điều kiện sinh thái bất lợi) thì các mô hình còn giúp người dân địa phương cũng như cán bộ quản lý nhận thức sâu sắc được các lợi ích mà mô hình mang lại và có định hướng duy trì, nhân rộng mô hình một cách cụ thể, rõ ràng.
(7) Tổ chức phổ biến rộng rãi kết quả nghiên cứu cũng như các mô hình đề xuất, triển khai đến tận các đối tượng có nhu cầu sử dụng.
(8) Định hướng đề xuất các cơ chế, chính sách, chương trình khuyến khích người dân áp dụng và nhân rộng mô hình để gia tăng hiệu quả của mô hình đến môi trường và sinh kế của người dân tại nông thôn 03 vùng sinh thái mặn, ngọt và phèn khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Bên cạnh đó các sản phẩm của đề tài như công bố khoa học, giải pháp hữu ích, hỗ trợ đào tạo,… là nguồn dữ liệu phục vụ cho hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và đào tạo nhân lực, góp phần chung vào công cuộc BVMT và phát triển bền vững.
Tại Hội thảo các Chuyên gia đã đánh giá cao những đóng góp về mặt khoa học và thực tiễn của đề tài. Các ý kiến đóng góp từ các chuyên gia được nhóm thực hiện ghi nhận và hoàn thiện. Đồng thời, Hội thảo cũng đã đề xuất một số giải pháp và định hướng nghiên cứu tiếp theo để hướng đến duy trì, nhân rộng mô hình cho các vùng sinh thái đặc thù (ngọt, phèn, mặn) tại vùng nông thôn ĐBSCL.
Hội thảo diễn ra thành công tốt đẹp và một số hình ảnh buổi hội thảo như sau:
Hình 1. GS.TS Lê Thanh Hải – Viện trưởng Viện Môi trường và Tài nguyên phát biểu khai mạc Hội thảo.
Hình 2. Đại diện nhóm nghiên cứu trình bày các kết quả của đề tài
Một số hình ảnh đóng góp ý kiến của các chuyên gia tại hội thảo
Hình 3. PSG. TS Lê Mạnh Hùng (Ban chủ nhiệm chương trình KC.08/16-20)
Hình 4. GS.TS Nguyễn Kim Lợi (ĐH Nông Lâm TP.HCM)
Hình 5. PGS.TS. Bùi Xuân An (Đại học Hoa Sen)
Hình 6. PGS.TS. Lê Văn Khoa (Đại học Bách Khoa TP.HCM)
Hình 7. PSG. TS Phạm Ngọc (Đại học Quốc tế)
Hình 8. TS. Nguyễn Văn Tú (Viện Sinh học nhiệt đới)
Hình 9. Toàn cảnh Hội thảo