Trang chủ Đào tạo Luận án Tiến sĩ

Nghiên cứu sinh Võ Văn Giàu bảo vệ thành công LATS cấp Viện



Nghiên cứu sinh Võ Văn Giàu bảo vệ thành công LATS cấp Viện:


Dưới sự hướng dẫn khoa học của GS.TS. Lê Thanh Hải, sáng thứ Ba, ngày 15/4/2025, NCS Võ Văn Giàu đã bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ kỹ thuật cấp Viện tại Hội đồng chấm Luận án Viện Môi trường và Tài nguyên (MT&TN), Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, chuyên ngành Quản lý tài nguyên và môi trường, Mã ngành: 62.85.01.01. 

 

GS.TS. Phan Đình Tuấn (Trường ĐH Tài Nguyên và Môi Trường TP.HCM) - chủ tịch Hội đồng đã điều khiển phiên họp. Ba người phản biện của luận án tiến sĩ bao gồm: GS.TS. Võ Quang Minh (Trường ĐH Cần Thơ); PGS.TS. Trương Thanh Cảnh (Trường ĐH KHTN, ĐHQG-HCM) và PGS.TS. Đỗ Thị Thu Huyền (Viện MT&TN - ĐHQG-HCM). Hội đồng có sự tham gia của hai ủy viên là PGS.TS. Phùng Chí Sỹ (Trung tâm Công nghệ môi trường ENTEC) và PGS.TS. Châu Nguyễn Xuân Quang (Viện MT&TN - ĐHQG-HCM) cùng thư ký hội đồng là TS. Hồ Minh Dũng (Viện MT&TN – ĐHQG-HCM). Buổi bảo vệ đã diễn ra long trọng với sự tham gia của GVHD, cán bộ khoa học, NCS, HVCH trong và ngoài Viện.

 

Hình 1. GS.TS. Phan Đình Tuấn - Chủ tịch Hội đồng điều khiển phiên họp

 

Ngành sản xuất tinh bột khoai mì là ngành sản xuất trọng điểm của Tây Ninh, tuy nhiên chuỗi sản xuất này cũng gây ra nhiều tác động tiêu cực tới môi trường. Kinh tế tuần hoàn là cách tiếp cận hiện nay trong phát triển bền vững, triển khai áp dụng kinh tế tuần hoàn mang lại nhiều lợi ích như giảm chi phí vận hành, góp phần đáp ứng yêu cầu pháp luật về bảo vệ môi trường, tạo hình ảnh tốt cho doanh nghiệp, giảm nguyên liệu, giảm chất thải, giảm rủi ro và tăng an toàn đối với môi trường và xã hội. Trước nhu cầu cấp thiết đó, NCS Võ Văn Giàu đã thực hiện đề tài LATS: “Nghiên cứu đề xuất mô hình và giải pháp quản lý môi trường tối ưu cho chuỗi sản xuất khoai mì trên địa bàn tỉnh Tây Ninh”, với mục tiêu của luận án là đưa ra được mô hình sản xuất phù hợp, bền vững và gắn với BVMT cho chuỗi sản xuất ngành tinh bột khoai mì phù hợp với điều kiện của tỉnh Tây Ninh.

 

Hình 2. NCS. Võ Văn Giàu trình bày tóm tắt nội dung LATS trước Hội đồng

 

Nghiên cứu đã áp dụng các phương pháp phân tích đa tiêu chí, phương pháp quy hoạch toán học, các kỹ thuật – hệ thống không phát thải và các khái niệm về kinh tế tuần hoàn. Kết quả áp dụng tích hợp đã xây dựng được 01 mô hình sản xuất theo hướng tuần hoàn, không phát thải cacbon cho cả chuỗi sản xuất mì tại Tây Ninh, 01 mô hình cộng sinh công nông nghiệp tích hợp hướng không phát thải và 01 bộ giải pháp, kỹ thuật sẵn có tốt để giảm thiểu ô nhiễm cho nhà máy tinh bột mì. Với mô hình tuần hoàn, các đầu vào của chuỗi giảm thiểu đến mức thấp nhất và đạt được mục tiêu zero điện, zero chất thải, zero năng lượng hóa thạch. Ngoài ra, các sản phẩm đầu ra của chuỗi gồm có 528 ngàn tấn bio-oil/năm, 207 ngàn tấn than sinh học/năm, 190 ngàn tấn bã khô/năm tạo ra các giá trị gia tăng của chuỗi.

 

Hình 3. Sơ đồ mô hình cộng sinh công – nông nghiệp sinh thái cho hoạt động sản xuất tinh bột khoai mì tại Tây Ninh
 

Hình 4. Sơ đồ mô hình cộng sinh công – nông nghiệp theo hướng sinh thái tại Nhà máy Xuân Hồng

 

Luận án đã cung cấp cơ sở khoa học nhằm nghiên cứu chuỗi giá trị sản xuất tinh bột khoai mì trên địa bàn tỉnh Tây Ninh hướng tới không phát thải, trên cơ sở áp dụng mô hình toán hỗ trợ ra quyết định. Kết quả luận án có thể áp dụng cho các cơ sở sản xuất tinh bột khoai mì có tính chất tương tự tại Việt Nam.

 

 

 

 

Hình 5.  Các thành viên hội đồng đọc nhận xét đánh giá luận án

 

NCS đã có 05 công bố liên quan đến luận án trong đó có 02 công bố quốc tế (SCIE) và 03 công bố trong nước (thuộc danh mục theo qui định của HĐGSNN). Luận án hội đủ các điều kiện cần thiết đối với luận án tiến sĩ (với 7 phiếu tán thành). Hội đồng chấm luận án Tiến sĩ cấp Viện thống nhất và kiến nghị cơ sở đào tạo công nhận trình độ và cấp bằng Tiến sĩ cho nghiên cứu sinh Võ văn Giàu.

 

Hình 6. GS.TS. Lê Thanh Hải (GVHD) nhận xét đánh giá quá trình học tập của NCS

 

Hình 7. Thành viên Hội đồng và GVHD chụp hình chúc mừng NCS Võ Văn Giàu bảo vệ thành công LATS cấp Viện

Thông tin khác