Trang chủ Đào tạo Luận án Tiến sĩ

Nghiên cứu sinh Lê Thanh Sơn bảo vệ thành công LATS cấp Viện với 5 công bố quốc tế có chất lượng cao với tổng chỉ số IF xấp xỉ 40



Kết quả của nghiên cứu của Luận án được đánh giá cao tại Hội đồng do tính thực tiễn và tính khoa học cao của chủ đề nghiên cứu, Luận án có trình độ so sánh tương đương với các Luận án tiến sĩ được đào tạo ở các nước phát triển, và phản ánh xu hướng về uy tín và chất lượng đào tạo Sau Đại học ngày càng tăng tại Viện MT&TN – ĐHQG-HCM


Dưới sự hướng dẫn khoa học của PGS.TS. Bùi Xuân Thành và PGS.TS. Lê Đức Trung, sáng thứ Bảy, ngày 21/9/2024, NCS Lê Thanh Sơn đã bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ kỹ thuật cấp Viện tại Hội đồng chấm Luận án Viện Môi trường và Tài nguyên (MT&TN), Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, ngành Kỹ thuật môi trường, Mã ngành: 9.52.03.20. Đây là lần đầu tiên tại Viện MT&TN có một NCS bảo vệ LATS cấp Viện đúng thời hạn (trong vòng 3 năm) và là tác giả của 05 công bố quốc tế có thứ hạng cao với tổng chỉ số IF xấp xỉ 40.

 

PGS.TS. Nguyễn Xuân Hoàn (Trường ĐH Công Thương TP.HCM), chủ tịch Hội đồng đã điều khiển phiên họp. Ba người phản biện của luận án tiến sĩ bao gồm: PGS.TS. Đinh Thị Nga (Trường ĐH TN&MT TP.HCM); PGS.TS. Đặng Vũ Bích Hạnh (Trường ĐH Bách Khoa TP.HCM) và PGS. TS. Trương Thanh Cảnh (Trường ĐH KHTN TP.HCM). Hội đồng có sự tham gia của hai ủy viên là PGS.TS.Phùng Chí Sỹ (Trung tâm Công nghệ Môi trường ENTEC) và TS. Hồ Minh Dũng (Viện MT&TN – ĐHQG-HCM) cùng thư ký hội đồng là TS. Nguyễn Thanh Hùng (Viện MT&TN – ĐHQG-HCM). Buổi bảo vệ đã diễn ra long trọng với sự tham gia của GVHD, cán bộ khoa học, NCS, HVCH trong và ngoài Viện.

 

Hình 1.Chủ tịch Hội đồng (PGS.TS. Nguyễn Xuân Hoàn) điều khiển phiên họp Hội đồng

 

Hình 2. NCS Lê Thanh Sơn trình bày báo cáo LATS trước Hội đồng

 

Xử lý để tái sử dụng các chất thải hữu cơ là một mục tiêu cao nhất của xử lý chất thải, nhằm tránh lãng phí tài nguyên và giảm thiểu tác động môi trường. Đây là giải pháp kỹ thuật mang lại nhiều lợi ích, bao gồm tiết kiệm năng lượng và tài nguyên, bảo vệ môi trường, giảm thiểu khí nhà kính,…. Hiện nay, có nhiều phương pháp xử lý nước thải giàu hữu cơ được sử dụng, tuy nhiên các phương pháp truyền thống thường có những giới hạn, đặc biệt là hạn chế tốc độ tải hữu cơ (OLR) trong quá trình xử lý lâu dài. Phát triển bể phản ứng sinh học màng kỵ khí hai giai đoạn (2S-AnMBR), bao gồm bể thủy phân (HR) và bể phản ứng sinh học màng kỵ khí (AnMBR) có thể xem là một giải pháp kỹ thuật nhằm khắc phục các hạn chế của công nghệ truyền thống xử lý nước thải giàu hữu cơ. Đề tài “Nghiên cứu hệ thống màng kỵ khí hai giai đoạn kết hợp hệ vi tảo – vi khuẩn xử lý chất thải đô thị hướng đến thu hồi cacbon, nitơ” của NCS. Lê Thanh Sơn là một hướng nghiên cứu mới nhằm đưa ra một giải pháp xử lý kết hợp cho cả chất thải rắn thực phẩm thừa và xử lý nước thải sinh hoạt giàu hữu cơ ở Việt Nam. Trong nghiên cứu này NCS đã kết hợp giữa phân hủy kị khí và xử lý nước thải sau xử lý kỵ khí bằng vi tảo nhằm bổ sung lẫn nhau giữa giữa 2 pha. Lượng sinh khối tảo sau quá trình xử lý bằng vi tảo có thể được sử dụng trong nhiều ứng dụng hữu ích như làm năng lượng sinh học, nhựa sinh học, phân bón sinh học, thức ăn chăn nuôi…, bùn hữu cơ ổn định từ bể phân hủy kỵ khí có thể dùng làm phân bón có giá trị cho nông nghiệp và khí sinh học được tạo ra từ quá trình phân hủy kỵ khí được sử dụng như một nguồn năng lượng sạch bền vững.

 

Hình 3. Sơ đồ mô hình 2S-AnMBR kết hợp RABR

 

Ý nghĩa khoa học của Luận án là đã nghiên cứu hệ thống màng kỵ khí hai giai đoạn kết hợp hệ vi tảo – vi khuẩn có khả năng xử lý hiệu quả hỗn hợp nước thải và rác hữu cơ từ nhà bếp theo tỷ lệ 1:1, có thể thu hồi Carbon dưới dạng khí sinh học (biogas) và thu hồi các chất dinh dưỡng (N, P) dưới dạng sinh khối tảo, hướng tới mục tiêu bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế tuần hoàn và giảm phát thải khí nhà kính.

 

Những đóng góp mới của luận án: Luận án đã nghiên cứu thành công một công nghệ mới tích hợp giữa xử lý sinh học kỵ khí (UASB) và màng UF để loại bỏ thành phần hữu cơ (COD) và thu hồi khí sinh học (biogas) khi xử lý đồng thời nước thải sinh hoạt và chất thải rắn nhà bếp, đặc biệt, quá trình thủy phân được thực hiện trong một bể riêng rẽ và phân hủy kỵ khí được thực hiện trong bể UASB giúp nâng cao hiệu quả loại bỏ COD và cải thiện hiệu quả sản sinh khí sinh học. Đặc biệt, công nghệ bể sinh học màng vi tảo được thiết kế sau cụm bể sinh học kỵ khí 2 giai đoạn cho phép loại bỏ các chất dinh dưỡng (N, P) vốn là các thành phần khó xử lý trong các công nghệ truyền thống, hướng tới tận thu sinh khối tảo để sản xuất các sản phẩm hữu ích khác. Kết quả nghiên cứu đã xác định được các thông số vận hành thích hợp ở qui mô thí nghiệm cho các công đoạn xử lý theo hướng tối đa hóa sản lượng khí sinh học (biogas) và sản xuất sinh khối tảo, đồng nghĩa với việc nâng cao hiệu quả xử lý chất hữu cơ và dinh dưỡng có trong hỗn hợp nước thải.

 

 

Hình 4. Các thành viên Hội đồng đọc nhận xét tại phiên họp Hội đồng

 

Hội đồng chấm luận án cấp Viện đã đánh giá cao kết quả của luận án, NCS đã có 05 công bố liên quan đến luận án trong đó có 03 công bố quốc tế là tác giả chính gồm tạp chí Bioresource Technology (Q1, IF=11.4), tạp chí Chemosphere (Q1, IF=8.8) và tạp chí Journal of the Taiwan Institute of Chemical Engineers (Q1, IF=5.7) và 02 công bố quốc tế là đồng tác giả đều trên tạp chí Environmental Technology and Innovation (Q1, IF=7.1).

 

Luận án hội đủ các điều kiện cần thiết đối với luận án tiến sĩ (với 7 phiếu tán thành trong đó có 3 phiếu đánh giá xuất xắc), Hội đồng chấm luận án Tiến sĩ cấp Viện thống nhất và kiến nghị cơ sở đào tạo công nhận trình độ và cấp bằng Tiến sĩ cho nghiên cứu sinh Lê Thanh Sơn.

 

Hình 5. Các thành viên Hội đồng và GVHD chụp hình chúc mừng NCS bảo vệ thành công LATS

Thông tin khác