Kết quả nghiên cứu của Luận án được đánh giá cao tại Hội đồng do tính thực tiễn và ý nghĩa khoa học của chủ đề nghiên cứu.
Dưới sự hướng dẫn khoa học của GS.TS. Nguyễn Văn Phước và PGS.TS. Nguyễn Hồng Quân, chiều thứ Bảy, ngày 06/01/2024, NCS Lê Tân Cương đã bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ kỹ thuật cấp Viện tại Hội đồng chấm Luận án Viện Môi trường và Tài nguyên (MT&TN), Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, ngành Quản lý tài nguyên và môi trường, Mã ngành: 9.85.01.01.
GS.TS. Nguyễn Việt Anh (Trường ĐH Xây dựng Hà Nội), chủ tịch Hội đồng đã điều khiển phiên họp. Ba người phản biện của luận án tiến sĩ bao gồm: PGS.TS. Phùng Chí Sỹ (Trung tâm công nghệ môi trường ENTEC); PGS.TS. Vũ Văn Nghị (Trường ĐH KHTN - ĐHQG-HCM) và TS. Phạm Văn Tùng (Viện Kỹ thuật Biển). Hội đồng có sự tham gia của hai ủy viên là GS.TS. Lê Thanh Hải và PGS.TS. Châu Nguyễn Xuân Quang cùng thư ký hội đồng là TS. Nguyễn Thanh Hùng (Viện MT&TN – ĐHQG-HCM). Buổi bảo vệ đã diễn ra long trọng với sự tham gia của GVHD, cán bộ khoa học, NCS, HVCH trong và ngoài Viện.
Hình 1. GS.TS. Nguyễn Việt Anh - Chủ tịch Hội đồng điều khiển phiên họp
Theo Chiến lược phát triển kinh tế biển, các vùng ven biển tiếp tục được ưu tiên phát triển dựa trên lợi thế tiềm năng và định hướng đến năm 2030 kinh tế biển đóng góp đến 65 - 70% GDP cả nước, điều này phát sinh hệ lụy nguy cơ gia tăng sự cố môi trường (SCMT), đe dọa đến sự phát triển ổn định và suy giảm giá trị tài nguyên, môi trường vùng ven biển. Để đảm bảo phát triển kinh tế biển trên nền tảng tăng trưởng xanh, bảo tồn đa dạng sinh học và ngăn ngừa các mối nguy, giảm thiểu ô nhiễm, hậu quả tiềm ẩn khi xảy ra SCMT cần thiết nghiên cứu một cách khách quan, toàn diện các khía cạnh liên quan đến SCMT vùng ven biển do quá trình phát triển KTXH từ phía lục địa. Xuất phát từ thực tiễn trên, NCS Lê Tân Cương đã lựa chọn đề tài: “Xây dựng khung phương pháp đánh giá sự cố môi trường vùng ven biển – Trường hợp vùng ven biển Đông Nam Bộ” để nghiên cứu LATS ngành Quản lý tài nguyên và môi trường.
Hình 2. NCS. Lê Tân Cương trình bày tóm tắt nội dung LATS trước Hội đồng
Luận án đã xây dựng được khung phương pháp luận đánh giá SCMT vùng ven biển do quá trình phát triển KTXH từ phía trong đất liền và đánh giá sự phù hợp của khung phương pháp được xây dựng đối với một khu vực áp dụng cho vùng ven biển Đông Nam Bộ; Khung phương pháp đánh giá sự cố môi trường vùng ven biển có thể coi là công cụ phục vụ công tác quản lý rủi ro môi trường và đề xuất các giải pháp ngăn ngừa, giảm thiểu SCMT vùng ven biển.
Kết quả nghiên cứu luận án sẽ là công cụ hữu ích hỗ trợ tốt cho các địa phương ven biển nhận diện được các mối nguy, phân tích nguy cơ xảy ra SCMT và dự báo được phạm vi, hậu quả tiềm ẩn khi xảy ra SCMT đối với vùng ven biển để từ đó góp phần rà soát, điều chỉnh quy hoạch vùng, quy hoạch phát triển KT-XH và thực hiện giải pháp ngăn ngừa, giảm thiểu SCMT, đảm bảo sử dụng hợp lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững vùng ven biển Việt Nam nói chung, vùng Đông Nam Bộ nói riêng.
Hình 3. Các thành viên hội đồng đọc nhận xét đánh giá luận án
Hội đồng chấm luận án cấp ĐVCM đã đánh giá cao kết quả của luận án, NCS đã có 08 công bố liên quan đến luận án trong đó có 03 công bố quốc tế Scopus và 05 công bố trong nước tại Tạp chí Phát triển Khoa học và Công nghệ ĐHQG-HCM (chuyên san Khoa học Trái đất và Môi trường) và Tạp chí Môi trường (đều thuộc danh mục theo qui định của HĐGSNN). Luận án hội đủ các điều kiện cần thiết đối với luận án tiến sĩ (với 7 phiếu tán thành trong đó có 4 phiếu đánh giá xuất xắc), Hội đồng chấm luận án Tiến sĩ cấp Viện thống nhất và kiến nghị cơ sở đào tạo công nhận trình độ và cấp bằng Tiến sĩ cho nghiên cứu sinh Lê Tân Cương.
Hình 4. GS.TS. Nguyễn Văn Phước (đại diện tập thể GVHD) nhận xét đánh giá quá trình học tập của NCS
Hình 5. Thành viên Hội đồng và tập thể GVHD chụp hình chúc mừng NCS Lê Tân Cương bảo vệ thành công LATS cấp Viện