Nghiên cứu sinh Lê Minh Hải bảo vệ thành công LATS cấp Viện:
Dưới sự hướng dẫn khoa học của GS.TS. Nguyễn Kim Lợi và TS. Hồ Minh Dũng, sáng thứ Sáu, ngày 09/5/2025, NCS Lê Minh Hải đã bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ kỹ thuật cấp Viện tại Hội đồng chấm Luận án tiến sĩ Viện Môi trường và Tài nguyên (MT&TN), Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, ngành Quản lý tài nguyên và môi trường, Mã ngành: 9850101
GS.TS. Lê Thanh Hải (Viện MT&TN, ĐHQG-HCM) - chủ tịch Hội đồng đã điều khiển phiên họp. Ba người phản biện của luận án tiến sĩ bao gồm: GS.TS. Võ Quang Minh (Trường ĐH Cần Thơ); PGS.TS. Nguyễn Văn Hồng (Phân viện Khoa học KTTV và BĐKH) và PGS.TS. Nguyễn Đình Vượng (Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam). Hội đồng có sự tham gia của hai ủy viên là PGS.TS. Vũ Văn Nghị (Trường ĐH KHTN, ĐHQG-HCM) và PGS.TS. Châu Nguyễn Xuân Quang (Viện MT&TN - ĐHQG-HCM) cùng thư ký hội đồng là PGS.TS. Nguyễn Hải Âu (Viện MT&TN – ĐHQG-HCM). Buổi bảo vệ đã diễn ra long trọng với sự tham gia của GVHD, cán bộ khoa học, NCS, HVCH trong và ngoài Viện.
Hình 1. GS.TS. Lê Thanh Hải - Chủ tịch Hội đồng điều khiển phiên họp
Với những biểu hiện của BĐKH đang diễn ra ngày càng rõ ràng hơn, đã và đang gây ra nhiều tác động bất lợi một cách trực tiếp cũng như gián tiếp đến các vùng khác nhau trên thế giới. Bên cạnh những áp lực từ quá trình phát triển kinh tế - xã hội, vấn đề an ninh lương thực toàn cầu còn trở nên trầm trọng hơn do những tác động bất lợi từ sự thay đổi của khí hậu. Theo đó, BĐKH có thể tác động trực tiếp và gián tiếp đến vấn đề an ninh lương thực thông qua sự thay đổi điều kiện sinh thái, môi trường sống của cây trồng và vật nuôi hay sự thay đổi về mức độ tăng trưởng và phân bố nguồn thu nhập của người dân. Dựa vào những kết quả nghiên cứu trên thế giới và trong nước liên quan đến lĩnh vực đề tài (cụ thể là về biến đổi khí hậu, đánh giá xu thế biến đổi khí hậu, đánh giá thích nghi đất đai) và tổng quan khái quát về điều kiện tự nhiên kinh tế xã hội tỉnh Gia Lai cho thấy được tính cấp thiết của việc thực hiện đánh giá thích nghi đất đai cho các loại giống cây trồng tại địa phương, nhằm làm cơ sở để đề xuất những giống chủ lực trong bối cảnh tác động biến đổi khí hậu đồng thời với sự thay đổi thị trường nông nghiệp. Xuất phát từ các nhu cầu thực tiễn và dựa vào những cơ sở khoa học trên, nghiên cứu sinh Lê Minh Hải đã thực hiện nghiên cứu Luận án tiến sĩ với tên đề tài: “Nghiên cứu tác động của biến đổi khí hậu đến cây trồng chủ lực: trường hợp nghiên cứu tại tỉnh Gia Lai” trong bối cảnh biến đổi khí hậu và sự thay đổi bất định của thị trường nông nghiệp, hướng đến việc sử dụng tối ưu đất nông nghiệp địa phương theo khía cạnh tự nhiên và kinh tế xã hội, nhằm góp phần nâng cao chuỗi giá trị nông sản địa phương và ổn định cuộc sống người dân, tạo điều kiện thúc đẩy tỉnh Gia Lai trở thành trung tâm kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên.
Hình 2. NCS. Lê Minh Hải trình bày tóm tắt nội dung LATS trước Hội đồng
Luận án tiếp cận vấn đề nghiên cứu theo quan điểm hệ thống, tích hợp đa ngành như khoa học cây trồng, kinh tế nông nghiệp, quản lý đất đai, tài nguyên môi trường, khí tượng thủy văn, BĐKH trên nền tảng sử dụng các công nghệ cao, hiện đại như công nghệ địa lý, phân tích quyết định đa tiêu chí (AHP), phân tích lợi ích – chi phí, mô hình toán (chi tiết hóa thống kê, chuỗi Markov, ARIMA, mô hình thủy văn SWAT). Qua đó, đánh giá tác động của BĐKH đối với cây trồng chủ lực (cây lương thực, cây công nghiệp dài ngày, cây công nghiệp ngắn ngày, cây ăn quả và rau, củ, quả) theo điều kiện lập địa cụ thể của từng huyện trên địa bàn tỉnh Gia Lai.
Đóng góp về mặt khoa học: Luận án đã góp phần hoàn thiện và phát triển phương pháp luận đánh giá thực trạng sử dụng đất và nhóm cây trồng chủ lực và tác động của các kịch bản BĐKH đến các yếu tố tự nhiên và sự thích nghi của nhóm cây trồng chủ lực, làm cơ sở xây dựng định hướng quản lý bền vững đất nông nghiệp của tỉnh Gia Lai.
Đóng góp mới của luận án: Luận án đã phân tích được xu thế biến đổi khí hậu (bao gồm lượng mưa và nhiệt độ) bằng các phương pháp thống kê tiên tiến trên cơ sở dữ liệu thực đo; Lượng hóa được khả năng thích nghi các nhóm cây trồng chủ lực ở tỉnh Gia Lai trong bối cảnh tác động tổng hợp của BĐKH và biến động thị trường.
Hình 3. Bản đồ phân bố không gian cho kịch bản BĐKH đối với nhiệt độ trung bình năm tỉnh Gia Lai
Hình 4. Bản đồ phân bố không gian cho kịch bản BĐKH đối với tổng lượng mưa năm tỉnh Gia Lai
Hình 5. Bản đồ dự báo cơ cấu cây trồng trong từng vùng sản xuất của tỉnh theo kịch bản RCP 2.6 cho 2020s (a), 2050s (b), 2080s (c)
Hình 6. Bản đồ dự báo cơ cấu cây trồng trong từng vùng sản xuất của tỉnh theo kịch bản RCP 4.5 cho 2020s (a), 2050s (b), 2080s (c)
Hình 7. Bản đồ dự báo cơ cấu cây trồng trong từng vùng sản xuất của tỉnh theo kịch bản RCP 8.5 cho 2020s (a), 2050s (b), 2080s (c)
Ý nghĩa thực tiễn của Luận án: Luận án đã đánh giá thực trạng sử dụng đất, mô phỏng được các kịch bản BĐKH, thích nghi đất đai, tối ưu hóa đa mục tiêu và định hướng và đề xuất các giải pháp sử dụng đất làm cơ sở cho ra quyết định về định hướng sử dụng đất cho phát triển nhóm cây trồng chủ lực thích ứng với BĐKH của vùng nghiên cứu.
Hình 8. Các thành viên Hội đồng đọc nhận xét đánh giá luận án
NCS đã có 07 công bố liên quan đến luận án trong đó có 02 công bố quốc tế (WoS/ISI/SCOPUS), 03 công bố trên Hội nghị quốc tế (SCOPUS) và 02 công bố trên Tạp chí trong nước (thuộc danh mục theo qui định của HĐGSNN). Luận án hội đủ các điều kiện cần thiết đối với luận án tiến sĩ (với 7 phiếu tán thành). Hội đồng chấm luận án Tiến sĩ cấp Viện thống nhất và kiến nghị cơ sở đào tạo công nhận trình độ và cấp bằng Tiến sĩ cho nghiên cứu sinh Lê Minh Hải.
Hình 9. Thành viên Hội đồng và GVHD chụp hình chúc mừng NCS Lê Minh Hải bảo vệ thành công LATS cấp Viện