Kết quả nghiên cứu của Luận án được đánh giá cao tại Hội đồng do tính thực tiễn và ý nghĩa khoa học của chủ đề nghiên cứu.
Dưới sự hướng dẫn khoa học của PGS.TS. Bùi Xuân Thành và PGS.TS. Lê Đức Trung, sáng thứ Năm, ngày 16/5/2024, NCS Lê Thanh Sơn đã bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ kỹ thuật cấp Đơn vị chuyên môn (ĐVCM) tại Hội đồng chấm Luận án tiến sĩ Viện Môi trường và Tài nguyên, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, ngành Kỹ thuật môi trường, Mã ngành: 9520320.
PGS.TS. Trương Thanh Cảnh (Trường ĐH KHTN, ĐHQG-HCM), chủ tịch Hội đồng đã điều khiển phiên họp. Hai người giới thiệu của luận án tiến sĩ là PGS.TS. Trần Lê Lựu (Trường ĐH Việt Đức) và PGS.TS. Nguyễn Lữ Phương (Trường ĐH TN&MT TP.HCM). Hội đồng có sự tham gia của ba ủy viên là PGS.TS. Châu Nguyễn Xuân Quang (Viện MT&TN, ĐHQG-HCM), PGS.TS. Võ Anh Tuấn (Trường ĐH Kiến Trúc TP.HCM), TS. Nguyễn Thanh Hùng (Viện MT&TN, ĐHQG-HCM) cùng thư ký hội đồng là TS. Hồ Minh Dũng (Viện MT&TN, ĐHQG-HCM). Buổi bảo vệ đã diễn ra long trọng với sự tham gia của GVHD, cán bộ khoa học, NCS trong và ngoài Viện.
Hính 1. PGS.TS. Trương Thanh Cảnh - Chủ tịch Hội đồng (đánh giá LATS cấp ĐVCM) điều khiển phiên họp
Trong bối cảnh này, việc khai thác thực phẩm thừa (food waste – FW) thành năng lượng sinh học và phân bón sinh học là một chiến lược hứa hẹn nhằm giảm bớt cả vấn đề môi trường và vấn đề kinh tế do việc xử lý FW không kiểm soát. Hệ thống kết hợp giữa phân hủy kị khí và xử lý nước thải sau xử lý kỵ khí bằng vi tảo là một hướng đi rất mới với sự bổ trợ lẫn nhau giữa chúng. Lượng sinh khối tảo sau quá trình xử lý bằng vi tảo có thể được sử dụng làm năng lượng sinh học, nhựa sinh học, phân bón sinh học, thức ăn chăn nuôi. Trong khi khí sinh học được tạo ra từ quá trình phân hủy kỵ khí đã được coi là nguồn năng lượng bền vững để tạo ra nhiệt và điện năng. Hơn nữa, bùn hữu cơ ổn định từ bể phân hủy kỵ khí có thể dùng làm phân bón có giá trị cho nông nghiệp. Đây có thể là một giải pháp đáng kể cho cả xử lý chất thải rắn sinh hoạt và xử lý nước thải ở Việt Nam, đồng thời tạo ra nguồn năng lượng tái tạo và tái sử dụng để tạo điều kiện thuận lợi cho nền kinh tế tuần hoàn.Từ các vấn đề nêu trên là cơ sở để NCS thực hiện Luận án tiến sĩ với đề tài: "Nghiên cứu hệ thống màng kỵ khí hai giai đoạn kết hợp hệ thống bể phản ứng vi tảo - vi khuẩn xử lý chất thải đô thị hướng đến thu hồi Cacbon, Nitơ".
Hình 2. NCS Lê Thanh Sơn báo cáo LATS trước Hội đồng đánh giá LATS cấp ĐVCM
Nghiên cứu góp phần phát triển lý thuyết và công nghệ phân hủy kỵ khí, bể phản ứng sinh học màng và hệ thống màng sinh học vi tảo và kết hợp hai đơn vị xử lý nhằm cho mục tiêu xử lý chất ô nhiễm và thu hồi năng lượng đồng thời sản xuất sinh khối tảo có giá trị, có thể được sử dụng trong các ứng dụng khác nhau; Bổ sung dữ liệu đánh giá khoa học về các cơ chế và yếu tố phức tạp ảnh hưởng đến quá trình sản xuất khí sinh học và sinh khối tảo thông qua phân tích sự tương tác giữa các cộng đồng vi sinh vật khác nhau, chất nền hữu cơ và các thông số vận hành, bằng cách tích hợp hệ thống 2S-AnMBR và RABR; Góp phần giải quyết những hạn chế của các giải pháp kỹ thuật truyền thống trong xử lý chất thải hữu cơ và xử lý nước thải, cung cấp một giải pháp bền vững để chuyển đổi hiệu quả chất thải thực phẩm và nước thải nhà ăn thành các nguồn tài nguyên, nguyên liệu tái tạo và năng lượng, có giá trị.
Luận án đã cung cấp một giải pháp kỹ thuật nhằm khắc phục các hạn chế của công nghệ truyền thống xử lý nước thải giàu hữu cơ bằng kết hợp 2 hệ thống 2S-AnMBR và RABR để xử lý chất thải thực phẩm và nước thải nhà bếp. Giải pháp kết hợp này cho phép thu hồi và tái sử dụng chất dinh dưỡng có trong nước thải sinh hoạt, bằng cách chuyển đổi hiệu quả các dòng chất thải này thành khí sinh học, một nguồn năng lượng tái tạo hay sinh khối tảo để sử dụng cho các mục đích khác nhau. Góp phần giảm thiểu lượng rác thải sinh hoạt đi vào các bãi chôn lấp.
Hình 3. Các thành viên Hội đồng đọc nhận xét LATS của NCS Lê Thanh Sơn
Hội đồng chấm luận án cấp ĐVCM đã đánh giá cao kết quả của luận án, NCS đã có 05 công bố liên quan đến luận án trong đó có 03 công bố quốc tế là tác giả chính (SCIE, Q1, IF = 5.7 - 11.4) và 02 công bố quốc tế khác là đồng tác giả (SCIE, Q1, IF = 5.7). Luận án hội đủ các điều kiện cần thiết đối với luận án tiến sĩ và đồng ý cho NCS bảo vệ LATS cấp Viện sau khi chỉnh sửa và bổ sung theo góp ý của Hội đồng.
Hình 4. Các thành viên Hội đồng, GVHD và NCS chụp hình sau khi kết thúc buổi bảo vệ