Được sự đồng ý của ĐHQG-HCM theo công văn số 1180/ĐHQG-SĐH ngày 03/7/2017 v/v tổ chức thi theo hình thức phỏng vấn và vấn đáp trong kỳ thi tuyển sinh sau đại học, Viện MT&TN đã triển khai thí điểm thay đổi phương thức tuyển sinh bắt đầu từ đợt tuyển sinh đợt 2 năm 2017 (tháng 10/2017) đến nay.
Sau 2 năm thực hiện Đề án thay đổi phương thức tuyển sinh trình độ thạc sĩ tại Viện MT&TN, một số kết quả bước đầu đạt được và đánh giá nhận xét như sau:
Số lượng thí sinh đăng ký dự thi và trúng tuyển có dấu hiệu tăng điều này cho thấy việc thay đổi phương thức tuyển sinh đã có dấu hiệu tích cực. Kết quả tổng hợp cho thấy tỷ lệ thí sinh trúng tuyển/thí sinh đăng ký dự thi có chuyển biến rõ rệt, trước thời điểm thay đổi phương thức tuyển sinh, tỷ lệ này là 61,8% (năm 2015) và 71,7 % (năm 2016); còn sau thời điểm thay đổi phương thức tuyển sinh, tỷ lệ này là 67,5 % (năm 2017) và 87,1% (năm 2018). Đồng thời, số lượng trúng tuyển đạt và vượt nhẹ so với chỉ tiêu tuyển sinh được cấp hàng năm của Viện. Điều đó cho thấy, với phương thức tuyển sinh mới, tỷ lệ thí sinh trúng tuyển cao hơn, đặc biệt là việc chuyển đổi môn thi cơ bản từ “toán cao cấp” sang “phỏng vấn tổng hợp” tạo điều kiện cho nhiều thí sinh dự thi, đặc biệt là những thí sinh đã tốt nghiệp lâu năm, có nhiều năm công tác trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường nhưng muốn tiếp tục học tập để nâng cao trình độ chuyên môn, họ gặp rất nhiều khó khăn trong việc ôn tập để thi môn cơ bản như trước đây (môn toán cao cấp).
Hình 1. Tỷ lệ các nhóm đối tượng thí sinh đăng ký dự thi trước (trái) và sau (phải) thời điểm thay đổi phương thức tuyển sinh
Ngoài ra, theo số liệu thống kê cho thấy tỷ lệ các nhóm đối tượng thí sinh dự thi giữa 2 thời điểm có sự thay đổi, so với trước thời điểm thay đổi phương thức tuyển sinh thì tỷ lệ nhóm thí sinh thuộc các Sở Ban Ngành của các địa phương (sau thời điểm thay đổi phương thức tuyển sinh) tăng đáng kể gần gấp 2 lần (19,9% so với 38,4%), điều này cho thấy khi thay đổi phương thức tuyển sinh tạo đã điều kiện và mở ra nhiều cơ hội cho các thí sinh đang công tác tại các Sở Ban Ngành của các địa phương đăng ký dự thi. Các nhóm đối tượng thí sinh khác (từ doanh nghiệp, từ Viện, Trường và mới tốt nghiệp chưa đi làm) thì không có nhiều thay đổi giữa 2 thời điểm.
Đánh giá chất lượng của học viên sau khi đã trúng tuyển vào học tập tại Viện và so sánh giữa 2 thời điểm trước và sau khi thay đổi phương thức tuyển sinh thông qua kết quả học tập của học viên:
Ngành Kỹ thuật môi trường: có một số thay đổi về trình độ của học viên khi so sánh giữa 2 thời điểm, tuy nhiên sự thay đổi này là không nhiều, có môn học kết quả học tập của học viên sau thời điểm thay đổi phương thức tuyển sinh tốt hơn so với chất lượng học viên trước thời điểm thay đổi phương thức tuyển sinh, tuy nhiên cũng có trường hợp ngược lại. Tuy nhiên, nhìn chung khi so sánh kết quả học tập của học viên giữa 2 thời điểm tính cho cả 2 học kỳ (HKI và HKII) trong 4 khóa, thì kết quả học tập của học viên trước và sau thời điểm thay đổi phương thức tuyển sinh là gần như tương đương nhau (hình 2).
Hình 2. So sánh kết quả học tập các môn học thuộc HKI & HKII ngành KTMT giữa 2 thời điểm
Ngành Quản lý tài nguyên và môi trường: Có một số thay đổi về trình độ của học viên khi so sánh giữa 2 thời điểm, kết quả học tập của học viên sau thời điểm thay đổi phương thức tuyển sinh tốt nhìn chung có nhỉnh hơn so với chất lượng học viên trước thời điểm thay đổi phương thức tuyển sinh. Tương tự, khi so sánh kết quả học tập của học viên giữa 2 thời điểm tính cho cả 2 học kỳ (HKI và HKII) trong 4 khóa, thì kết quả học tập của học viên sau thời điểm thay đổi phương thức tuyển sinh có nhỉnh hơn so với kết quả học tập của học viên trước thời điểm thay đổi phương thức tuyển sinh (hình 3).
Hình 3. So sánh kết quả học tập các môn học thuộc HKI & HKII ngành QLTN&MT giữa 2 thời điểm
Điều này cho thấy, việc thay đổi phương thức tuyển sinh góp phần vào việc tuyển được nhiều học viên hơn và chất lượng học viên có phần nhỉnh hơn so với giai đoạn trước khi thay đổi phương thức tuyển sinh. Thêm vào đó, qua khảo sát sơ bộ ý kiến của thí sinh đã dự thi và sắp dự thi cho thấy việc áp dụng phương thức tuyển sinh mới là phù hợp để có thể đánh giá tổng hợp kiến thức của thí sinh dự thi nhưng đồng thời cũng tạo điều kiện cho những thí sinh đã công tác nhiều năm nhưng mong muốn được tiếp tục học tập nhằm nâng cao trình độ chuyên môn để phục vụ tốt trong công tác chuyên môn nghiệp vụ của mình (do không thi môn toán cao cấp).
Tuy nhiên, bên cạnh việc đổi mới phương thức tuyển sinh nhằm tuyển chọn được thí sinh phù hợp, có chất lượng theo học chương trình cao học tại Viện, Viện không ngừng chủ động trong việc tìm kiếm học viên thông qua nhiều kênh như công tác quảng bá hoạt động tuyển sinh, cơ sở đào tạo và chất lượng đào tạo cần luôn được Viện chú trọng. Ngoài ra, Viện còn tìm kiếm các nguồn học viên từ các địa phương thông qua các mối quan hệ và uy tín sẵn có của Viện trong hoạt động NCKH và CGCN trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường.
Đến nay, phương thức tuyển sinh mới (áp dụng cho trình độ ThS) của Viện MT&TN đã được ĐHQG-HCM phê duyệt (theo quyết định số 1459/QĐ-ĐHQG, ngày 18/11/2019 của ĐHQG-HCM v/v phê duyệt phương thức tuyển sinh trình độ thạc sĩ tại Viện Môi trường và Tài nguyên) và được chính thức áp dụng từ năm 2020.