Trang chủ Nghiên cứu khoa học Thông tin hoạt động KHCN

Nghiệm thu nhiệm vụ KH&CN về chính sách môi trường nông thôn tại TP.HCM



Sáng ngày 30/6/2025, tại Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM, Hội đồng nghiệm thu đã tiến hành đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ “Đề xuất cơ chế, chính sách xử lý chất thải, xây dựng cảnh quan, bảo vệ môi trường nông thôn trên địa bàn TP.HCM” do TS. Nguyễn Thanh Hùng – Viện Môi trường và Tài nguyên làm chủ nhiệm. Nhiệm vụ được đánh giá cao về tính ứng dụng và tính thực tiễn, với các sản phẩm tiêu biểu như báo cáo chính sách, định mức kinh tế – kỹ thuật và một bài báo đăng trên Tạp chí Môi trường. Kết quả nghiên cứu sẽ được chuyển giao cho Sở Nông nghiệp và Môi trường TP.HCM để làm cơ sở đề xuất các chính sách BVMT tại các xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2025–2030.


Sáng 9h00 ngày 30 tháng 06 năm 2025, tại Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh, Hội đồng nghiệm thu nhiệm vụ khoa học và công nghệ theo Quyết định số 356/QĐ-SKHCN ngày 24 tháng 06 năm 2025 của Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh về việc thành lập Hội đồng nghiệm thu kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ “Đề xuất cơ chế, chính sách xử lí chất thải, xây dựng cảnh quan, bảo vệ môi trường nông thôn trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh”. Hội đồng với sự điều hành của PGS.TS Phùng Chí Sỹ (Trung tâm Công nghệ Môi trường - Chủ tịch hội đồng) cùng 02 Ủy viên phản biện là Tiến sĩ Lâm Văn Giang (Trường Đại học Bách Khoa) và Tiến sĩ Võ Đình Long (Viện Khoa học Công nghệ và Quản lí Môi trường) và các thành viên hội đồng khác đã đánh giá nghiệm thu nhiệm vụ.

Tại Hội đồng nghiệm thu, các Ủy viên đã đánh giá cao những đóng góp về mặt khoa học và thực tiễn của đề án. Hội đồng thống nhất nghiệm thu và đánh giá Đề án đã hoàn thành các mục tiêu và nội dung nghiên cứu đã đặt ra. Đề án được thực hiện bởi TS. Nguyễn Thanh Hùng (chủ nhiệm) với sự tham gia của các cộng sự là thành viên thuộc nhóm nghiên cứu mạnh “Kỹ thuật và hệ thống không phát thải trong sản xuất công – nông nghiệp tại Việt Nam” (ZETS) do GS.TS. Lê Thanh Hải làm trưởng nhóm, cùng với các cán bộ chuyên môn của Phòng Quản lý Môi trường.  Đề án được thực hiện với mục tiêu đánh giá hiện trạng và đề xuất cơ chế, chính sách, định mức kinh tế – kỹ thuật, cùng lộ trình nhân rộng các giải pháp xử lý chất thải, xây dựng cảnh quan và bảo vệ môi trường tại các xã nông thôn mới nâng cao trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh giai đoạn 2025–2030. Sau 12 tháng triển khai, đề án đã hoàn thành toàn bộ các nội dung nghiên cứu gồm khảo sát hiện trạng môi trường, đánh giá các chương trình bảo vệ môi trường tại nông thôn, và đề xuất cơ chế, chính sách, định mức kinh tế – kỹ thuật, cùng lộ trình nhân rộng giải pháp BVMT cho các xã nông thôn mới nâng cao tại TP.HCM.

Sản phẩm của đề án đã hoàn thành bao gồm:

  • 01 phương án điều tra;
  • 17 báo cáo chuyên đề;
  • 01 Báo cáo đánh giá hiện trạng và dự báo các tác động từ hoạt động sinh kế của người dân vùng nông thôn trên địa bàn TP.HCM;
  • 01 Báo cáo Dự thảo về chính sách hỗ trợ cho hoạt động xử lý chất thải, xây dựng cảnh quan, bảo vệ môi trường nông thôn trên địa bàn TP.HCM;
  • 01 Báo cáo Dự thảo về định mức kinh tế kỹ thuật nhằm hỗ trợ các chính sách bảo vệ môi trường phù hợp tại các xã nông thôn mới trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh
  • 01 bài báo đăng trên Tạp chí Môi trường (tháng 4/2025);
  • 01 báo cáo giám định;
  • 01 Báo cáo tổng kết nhiệm vụ (báo cáo tổng hợp, báo cáo tóm tắt, CD).

Ý nghĩa các sản phẩm khoa học của nhiệm vụ:

Các sản phẩm được xây dựng trong khuôn khổ đề án không chỉ là kết quả nghiên cứu mang tính học thuật, mà còn có giá trị ứng dụng cao trong thực tiễn quản lý môi trường nông thôn tại TP.HCM. Thông qua quá trình khảo sát, phân tích và đề xuất chính sách, đề án đã cung cấp một bức tranh toàn diện về hiện trạng môi trường ở khu vực nông thôn, bao gồm cả các hoạt động sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ thương mại. Đặc biệt, việc xây dựng các định mức kinh tế – kỹ thuật cho các mô hình xử lý chất thải, cải tạo cảnh quan và bảo vệ môi trường là cơ sở quan trọng để các địa phương lồng ghép vào kế hoạch đầu tư công, lựa chọn giải pháp phù hợp với điều kiện thực tiễn và mục tiêu phát triển bền vững. Bên cạnh đó, báo cáo dự thảo chính sách và các chuyên đề nghiên cứu đã góp phần hoàn thiện cơ chế hỗ trợ và lộ trình nhân rộng các mô hình bảo vệ môi trường tại các xã nông thôn mới nâng cao. Ngoài ra, các sản phẩm như bài báo khoa học đăng tải trên Tạp chí Môi trường và báo cáo đánh giá tác động từ hoạt động sinh kế còn góp phần lan tỏa thông tin, nâng cao nhận thức cộng đồng và thúc đẩy hợp tác giữa các bên liên quan trong việc triển khai các chương trình bảo vệ môi trường khu vực nông thôn.

Toàn bộ kết quả nghiên cứu sẽ được bàn giao cho Sở Nông nghiệp và Môi trường TP.HCM (trước đây là Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn – đơn vị đặt hàng) làm cơ sở lý luận khoa học và thực tiễn, phục vụ việc trình lên các cơ quan quản lý có thẩm quyền nhằm đề xuất các cơ chế, chính sách xử lý chất thải, xây dựng cảnh quan và bảo vệ môi trường nông thôn trên địa bàn TP.HCM trong giai đoạn 2025–2030. Tổng thể, kết quả đề án mang ý nghĩa thiết thực đối với việc triển khai các tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, đồng thời mở ra hướng tiếp cận tích hợp, liên ngành trong công tác quản lý môi trường cấp cơ sở.

Trong quá trình triển khai thực hiện đề án, nhóm nghiên cứu đã tổ chức các hội nghị tập huấn tại địa bàn các huyện nhằm giới thiệu kết quả nghiên cứu và phổ biến các giải pháp xử lý chất thải, xây dựng cảnh quan và bảo vệ môi trường nông thôn tại TP. Hồ Chí Minh. Các hội nghị này được tổ chức với sự tham gia của đội ngũ cán bộ quản lý cấp xã, đại diện phòng chuyên môn của các huyện, cùng các hộ dân điển hình đang thực hiện mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng thân thiện môi trường. Đây là hoạt động thiết thực nhằm nâng cao nhận thức, năng lực triển khai và tạo điều kiện lan tỏa các mô hình, giải pháp hiệu quả ra cộng đồng địa phương.

 

   

 

   

 

   

Hình 1. Hội thảo tập huấn tại các huyện

Bên cạnh đó, trước khi tiến hành nghiệm thu chính thức, nhóm nghiên cứu đã tổ chức Hội thảo tổng kết kết quả đề án với sự tham dự của các chuyên gia, nhà khoa học, đại diện cơ quan quản lý và các đơn vị liên quan trong lĩnh vực môi trường, nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Hội thảo là diễn đàn để phản biện, góp ý và hoàn thiện nội dung khoa học của đề án, đồng thời xác nhận tính thực tiễn và khả năng áp dụng rộng rãi của các giải pháp đã được nghiên cứu và đề xuất.

Hình 2. Hội thảo tổng kết của đề án

Kết thúc quá trình đánh giá, Hội đồng nghiệm thu đã thống nhất đánh giá cao chất lượng khoa học và tính ứng dụng thực tiễn của đề án. Các nội dung nghiên cứu được triển khai bài bản, bám sát mục tiêu và yêu cầu đặt hàng; sản phẩm đầu ra đảm bảo đầy đủ, có giá trị tham khảo và ứng dụng cho công tác quản lý môi trường nông thôn tại TP. Hồ Chí Minh trong giai đoạn tới. Với sự chấm điểm, thảo luận và bỏ phiếu độc lập của 06 thành viên Hội đồng, đề án đã được thông qua nghiệm thu và xếp loại Đạt, đạt tổng số điểm 81,8 theo thang điểm quy định.

   

Hình 3. Hình ảnh họp Hội đồng nghiệm thu đánh kết quả thực hiện đề án