Trang chủ Nghiên cứu khoa học Thông tin hoạt động KHCN

Nghiệm thu đề tài loại C cấp ĐHQG mã số C2021-24-03



Đánh giá ảnh hưởng của các nhà máy nhiệt điện Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ đến chất lượng không khí thành phố Hồ Chí Minh: hiện trạng năm 2020 và theo Quy hoạch điện 7 điều chỉnh tương lai đến 2023


       Ngày 12/01/2023, tại phòng họp Viện Môi trường và Tài nguyên (cở sở Quận 10), đề tài loại C cấp ĐHQG mã số C2021-24-03 đã được hội đồng nghiệm thu xếp loại Tốt. Đề tài “Đánh giá ảnh hưởng của các nhà máy nhiệt điện Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ đến chất lượng không khí thành phố Hồ Chí Minh: hiện trạng năm 2020 và theo Quy hoạch điện 7 điều chỉnh tương lai đến 2023" do ThS. Vũ Hoàng Ngọc Khuê và cộng sự thực hiện trong thời gian 24 tháng (từ 02/2021 đến 02/2023).

       Đề tài đã hoàn thành đầy đủ về số lượng và chất lượng các sản phẩm công bố khoa học và đào tạo, bao gồm: 01 báo cáo tổng kết; 01 bài báo quốc tế trên kỷ yếu hội nghị trong danh mục Scopus (IOP Conference Series: Earth and Environmental Sciences); 01 bài báo trong nước trên tạp chí Phát triển KH&CN – ĐHQG-HCM (Khoa học Trái đất và Môi trường); 01 Học viên đã bảo vệ thành công luận văn cao học tại Viện Môi trường và Tài nguyên, ĐHQG-HCM.

Một số thông tin về đề tài: 

       Nghiên cứu được thực hiện với mục tiêu đánh giá tổng hợp hoạt động của các nhà máy nhiệt điện từ khu vực Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ đến chất lượng không khí của thành phố Hồ Chí Minh thông qua nồng độ các chất PM2.5, PM10, SO2, NO2, CO cho kịch bản hiện trạng năm 2020 và trong tương lai đến năm 2030 theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh.

       Đối tượng nghiên cứu được xác định là các nhà máy nhiệt điện đã và sắp đưa vào hoạt động thuộc khu vực Tây Nam Bộ (Đồng bằng Sông Cửu Long), Đông Nam Bộ và có tính đến nhiệt điện Vĩnh Tân, các chất ô nhiễm PM2.5, PM10, SO2, NO2, CO. Nghiên cứu thực hiện cho kịch bản hiện trạng năm nền là năm 2020, tuy nhiên do thời gian này dịch bệnh Covid xảy ra nên nhóm nghiên cứu sử dụng dữ liệu năm 2019 để tính toán và mô phỏng.

       Nghiên cứu ứng dụng phương pháp tính phát thải dựa trên công nghệ lò hơi và hệ số phát thải (sử dụng bộ hệ số AP42 của Hoa Kỳ và EMEP/EEA của Châu Âu) để tính toán phát thải khí thải. Kết quả cho thấy rằng năm 2030, tải lượng phát thải NOx, CO, và SOx dự kiến tăng gấp 2,2 lần so với phát thải năm 2020, trong khi đó phát thải bụi dự kiến giảm từ 6% - 30% do thay đổi nhiên liệu đốt từ than nội sang than trộn và than nhập.

       Nhóm tác giả đã ứng dụng thành công hệ mô hình TAPM-AERMOD để mô phỏng lan truyền các chất ô nhiễm không khí. Kết quả cho thấy rằng: Mức độ đóng góp PM2.5 của các nguồn thải từ nhiệt điện xung quanh đến TP.HCM là nhỏ hơn 0,1 µg/m3 đối với trung bình 1 giờ và nhỏ hơn 0,01 µg/m3 đối với trung bình 14 giờ và trung bình năm là hầu như không có đóng góp (< 0,001 µg/m3). Đối với SO2 nồng độ trung bình 1 giờ và 24 giờ SO2 từ các nhà máy nhiệt điện đóng góp lần lượt là 17 µg/m3 và 3 µg/m3, chủ yếu ở các khu vực phía Đông thành phố giáp với Đồng Nai. Nồng độ SO2 trung bình năm đóng góp khoảng 0,5 µg/m3. Đối với NO2, đóng góp từ các nhà máy điện tới TP.HCM là khoảng 10 µg/m3 đối với trung bình 1 giờ và 1 µg/m3 đối với trung bình 24 giờ, và từ 0,5 – 1 µg/m3 đối với trung bình năm. Đối với CO, nồng độ trung bình 1 giờ CO đóng góp từ các nguồn thải là từ 20 – 100 µg/m3, nồng độ CO trung bình 24 giờ đóng góp đến TP.HCM là từ 7 – 20 µg/m3, và trung bình năm đóng góp từ 0,6 – 1 µg/m3.

Nồng độ SO2 trung bình năm 2030

Nồng độ PM2.5 trung bình năm 2030

Nồng độ TSP trung bình năm 2030