Trang chủ Quan hệ đối ngoại Hội nghị - hội thảo

Hội thảo kỷ niệm 25 năm thành lập Viện Môi trường và Tài nguyên IER-25 và Hội thảo HealthyAir 2021



Nhằm tạo ra một diễn đàn cho các nhà khoa học, quản lý trao đổi, giao lưu, trình bày, chia sẻ và thảo luận về quản lý tài nguyên, môi trường, ô nhiễm không khí và BĐKH phục vụ phát triển bền vững khu vực Đô thị và Công nghiệp, và cũng nhân dịp kỷ niệm 25 năm thành lập Viện, Viện Môi trường và Tài nguyên phối hợp cùng Đại học Dublin tổ chức hội thảo IER-25 với chủ đề “Quản lý Môi trường khu vực Đô thị và Công nghiệp” và Hội thảo HealthyAir về “Mô phỏng tác động ô nhiễm không khí và biến đổi khí hậu lên sức khỏe cộng đồng”.


     Ngày 15/10/2021, nhân dịp kỷ niệm 25 năm thành lập Viện, Viện Môi trường và Tài nguyên phối hợp cùng Đại học Dublin tổ chức hội thảo trực tuyến IER-25 với chủ đề “Quản lý Môi trường khu vực Đô thị và Công nghiệp” và Hội thảo HealthyAir về “Mô phỏng tác động ô nhiễm không khí và biến đổi khí hậu lên sức khỏe cộng đồng”

     Mục đích chính của Hội thảo lần này là nhằm tạo diễn đàn cho các nhà khoa học chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm, những kết quả nghiên cứu khoa học chuyên sâu trong lĩnh vực sinh thái, tài nguyên, môi trường. Hội thảo còn tạo điều kiện để các nhà khoa học và quản lý trong lĩnh vực môi trường và sinh thái hiểu biết tốt hơn các vấn đề thực tế của khu vực nói chung và Việt nam nói riêng, mở rộng giao lưu hợp tác trong nước và quốc tế trong lĩnh vực sinh thái, môi trường và biến đổi khí hậu. Hội thảo cũng là dịp để các nhà khoa học của Việt Nam và Quốc tế giới thiệu và công bố các công trình khoa học của mình với cộng đồng khoa học, tạo quan hệ tốt để phát triển thành các mối quan hệ hợp tác trong thời gian sắp tới. 

     Ba chủ đề chính của hội thảo bao gồm: 

  • Quản lý tài nguyên thiên nhiên và môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu (IER-25): Các nghiên cứu mới nhất liên quan quản lý bền vững tài nguyên thiên nhiên và môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.
  • Kỹ thuật môi trường (IER-25): Các công nghệ và kỹ thuật xử lý nước, nước thải, khí thải, chất thải rắn, vv… theo hướng phát triển bền vững.
  • Trí tuệ nhân tạo (AI) trong Ô nhiễm không khí (HealthyAIR): Trí tuệ nhân tạo AI trong lĩnh vực Quản lý tài nguyên, môi trường và BĐKH, công nghệ học máy trong mô hình ô nhiễm không khí, Internet vạn vật trong giám sát ô nhiễm, công nghệ trí tuệ nhân tạo định lượng tác động ô nhiễm không khí và Biến đổi khí hậu.

     Các chủ đề này đã thu hút gần 100 bài tóm tắt các nghiên cứu gửi về đề tham gia trình bày, trong đó đã có 32 bài chất lượng được lựa chọn trình bày tại hội thảo với 4 phân ban: Phân ban Quản lý tài nguyên thiên nhiên và Môi trường (2 phân ban); Phân ban Kỹ thuật Môi trường (1 phân ban) và Phân ban HealthyAIR (Hội thảo quốc tế). 

 

 

    Hội thảo đã thu hút được sự tham gia của nhiều nhà khoa học gạo cội trong lĩnh vực tài nguyên môi trường, các nhà quản lý, sinh viên, học viên cao học, NCS ngành TNMT và nhiều PV báo đài tham dự. Các báo cáo tham luận có chất lượng chuyên môn cao, phản ánh những vấn đề bức xúc, nổi cộm về lĩnh vực tài nguyên môi trường. Tuy là hội thảo trực tuyến nhưng phần trao đổi, tương tác giữa các báo cáo viên và các đại biểu diễn ra hết sức sôi nổi, cởi mở,  với gần 250 đại biểu tham dự Phiên toàn thể và gần 100 đại biểu tham dự tại mỗi phân ban.

 

    Trong lời phát biểu khai mạc, GS.TS. Lê Thanh Hải đã phát biểu rằng:

    "Hội thảo hôm nay còn là một sự kiện đầy ý nghĩa nhân dịp Kỷ niệm 25 năm thành lập Viện MT&TN. Viện MTTN chính thức ra đời năm 1996, tính đến nay là tròn 25 năm, nhưng đã có khoảng 10 năm hoạt động trước đó với các tên gọi khác nhau. Như vậy, trải qua gần 35 năm hình thành, xây dựng và phát triển, chúng tôi có thể tự hào nói rằng, Viện MT&TN đã có những đóng góp không nhỏ cho xã hội liên quan đến mọi mặt của công tác NCKH, đào tạo và CGCN trong lĩnh vực môi trường, tài nguyên và BĐKH, góp phần tích cực xây dựng và phát triển mô hình đại học định hướng nghiên cứu ứng dụng trong hệ thống ĐHQG-HCM; tạo ra một môi trường thuận lợi cho sự hợp tác, liên kết giữa các nhà quản lý và các đồng nghiệp khoa học trong cùng lĩnh vực.
     Trải qua 25 năm xây dựng và trưởng thành, Viện Môi trường và Tài nguyên vinh dự là cơ sở đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao, đáp ứng yêu cầu phát triển ngành môi trường, là trung tâm khoa học công nghệ có uy tín về môi trường, góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước. Toàn Viện hiện có hơn 200 cán bộ, giảng viên và công nhân viên. Đến nay, đã đào tạo cho đất nước hơn 1000 Thạc sĩ, khoảng 50 Tiến sĩ khoa học chuyên ngành. Viện đã đóng vai trò quan trọng trong việc nghiên cứu, chuyển giao những tiến bộ kỹ thuật và công nghệ vào việc cải thiện, quản lý, sử dụng hợp lý và bảo vệ tài nguyên môi trường và ứng phó với BĐKH.
     Đặc biệt trong hoạt động KHCN, là lĩnh vực hoạt động đặc thù điển hình của mình, trong suốt quá trình hoạt động nhiều năm qua, Viện đã triển khai nhiều đề tài NCKH lớn cấp quốc gia, cấp Bộ ngành, cấp tỉnh thành, cấp ĐHQG, cũng như công trình CGCN lớn và có ý nghĩa cho cộng đồng địa phương và doanh nghiệp... đặc biệt là phần lớn các và nhiều đề tài và nhiệm vụ KHCN này đều đã được triển khai tại 2 khu vực thuộc các tỉnh Vùng KTTĐ phía Nam (các tỉnh miền Đông Nam Bộ), và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Chút thời gian tới đây trong phiên họp toàn thể, quí vị sẽ nghe 2 bài tham luận của 2 CB chủ chốt của Viện sẽ trình bày 2 chủ đề nghiên cứu tiêu biểu của Viện liên quan đến 2 địa bàn nghiên cứu vừa đề cập. Chúng tôi cũng rất vu mừng có được sự hiện diện của một số các đồng chí là khách mời là lãnh đạo Sở TNMT của các tỉnh thành thuộc 2 địa bàn này. 
       Các hoạt động NCKH và CGCN của các CB của Viện đã được cụ thể hóa thông qua các loại sản phẩm KH khác nhau, trong đó chúng tôi chú trọng việc công bố trên các tạp chí uy tín hàng đầu thế giới trong lĩnh vực KH có liên quan của mình. Hoạt động này được đẩy mạnh trong thời gian gần đây, với trung bình 30 – 40 bài báo xếp hạng Q1 và Q2 thuộc danh mục của WoS, và rất nhiều bài báo khoa học thuộc các tạp chí troing nước khác. Tính trung bình lượng công bố quốc tế trên WoS đạt chỉ tiêu 1bài/1TS/năm.
      Về hoạt động HTQT: Viện luôn chú trọng đẩy mạnh hợp tác quốc tế phục vụ cho các mục tiêu NCKH, CGCN và Đào tạo SĐH của mình. Nhiều dự án hợp tác quốc tế với Liên minh châu Âu, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hà Lan, CHLB Đức, CH Áo... được tiếp tục triển khai hiện. Và một trong những hoạt động hợp tác quốc tế này sẽ được cụ thể hóa qua Hội thảo Quốc tế HEALTHY AIR mà quí vị sẽ tham dự vào buổi chiều ngày hôm nay.  
      Bên cạnh đó, Viện cũng đã làm tốt công tác CGCN trong lĩnh vực bảo vệ môi trường và sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, ứng phó với BĐKH, đưa được nhiều tiến bộ khoa học vào thực tiễn, góp phần bảo vệ môi trường ở các khu công nghiệp và đô thị. Đặc biệt là nhiều công trình CGCN của Viện (như công trình xử lý nước thải, xử lý khí thải, xử lý chất thải rắn và chất thải công nghiệp nguy hại, các dự án qui hoạch bảo vệ môi trường và tài nguyên, các công trình hạ tầng môi trường đô thị, khu công nghiệp và nông thôn…) đã được chuyển giao và ứng dụng thực tiễn tốt tại các doanh nghiệp và địa phương trong suốt chiều dài gần 35 năm qua. 
      Với những thành tựu đã đạt được trong suốt quá trình hoạt động của mình, Viện đã nhận được nhiều thành tích, cũng như sự ghi nhận của Nhà nước và cộng đồng, trong đó nổi bật là Huân chương lao động hạng 1 do Nhà nước trao tặng cho Viện trong năm nay, 2021. Tất cả các thành tựu nêu trên có được là do sự đóng góp của toàn thể CBCNV của Viện qua nhiều thời kỳ, cũng như sự giúp đỡ hiệu quả của các cấp lãnh đạo, đặc biệt là lãnh đạo ĐHQG-HCM, các đồng nghiệp trong và ngoài nước và các bạn học viên SĐH,... mà một số trong số họ đang có mặt tham dự buổi hội thảo KH này với chúng ta ngày hôm nay. Nhân dịp kỷ niệm 25 năm thành lập Viện MTTN, tôi trân trọng ghi nhận tất cả những đóng góp tích cực và vô giá này."

 

  

Hình. GS.TS. Lê Thanh Hải - Viện trưởng Viện Môi trường và Tài nguyên phát biểu khai mạc tại Hội thảo

 

     Cũng tại hội thảo này, từ kết quả nghiên cứu, Viện Môi trường và Tài nguyên đã đưa ra giới thiệu App HealthyAIR và hướng dẫn cài đặt cho các đại biểu tham dự. Đây là ứng dụng đầu tiên tại Việt Nam nhằm theo dõi chất lượng không khí trên địa bàn. Bằng thiết kế thân thiện với người dùng, HealthyAIR hứa hẹn là bạn đồng hành bổ ích cho mọi tầng lớp người dân quan tâm đến sức khỏe và chất lượng không khí nơi sinh sống.  Ngoài ra, Viện Môi trường và Tài nguyên ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác (MOU) với Mobifone nhằm đẩy mạnh nghiên cứu và phát triển các giải pháp về môi trường, đặc biệt là hợp tác nghiên cứu trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng công nghệ, truyền dữ liệu, quản trị cơ sở dữ liệu tài nguyên và môi trường...trong thời đại Công nghệ 4.0 và Trí thông minh nhân tạo (AI). Thông qua việc giới thiệu ứng dụng HealthyAIR và việc ký ghi nhớ hợp tác với đối tác Mobifone, Viện Môi trường và Tài nguyên hướng đến việc làm chủ được công nghệ và đưa kết quả nghiên cứu phụng sự cộng đồng một cách thiết thực, hiệu quả hơn nữa trong thời gian tới.

Hình. Viện Môi trường và Tài nguyên (MOU) và Mobifone ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác

 

Một số hình ảnh tại hội thảo:

 

Hình. Phiên toàn thể

Hình. Phiên toàn thể

Hình. Phân ban 1- Chair_PGS.TS. Trương Thanh Cảnh và Co-Chair_TS. Trần Đức Dũng

Hình. Phân ban 2- Chair_PGS.TS. Phùng Chí Sỹ và Co-Chair_PGS.TS. Lê Đức Trung

Hình. Phân ban 3. Chair_TS. Ricardo Simon Carbajo và Co-Chair_PGS.TS. Hồ Quốc Bằng

Hình. Phân ban 3. Thư ký TS. Hồ Minh Dũng

Hình. Phân ban 4 - Co-Chair_PGS.TS. Châu Nguyễn Xuân Quang và Thư ký TS. Đỗ Thị Thu Huyền

Hình. Phân ban 4 - Chair_GS.TS. Nguyễn Kim Lợi