Trang chủ Quan trắc môi trường Quan trắc MT Quốc gia

Hoạt động của Trạm Quan Trắc và Phân tích Môi trường vùng đất liền 3



Bắt đầu từ năm 1995, Viện Môi Trường và Tài Nguyên (IER) – ĐHQG TP.HCM được Bộ Tài Nguyên và Môi Trường giao nhiệm vụ quan trắc chất lượng môi trường nước và không khí tại TP.Hồ Chí Minh (Tp HCM) và các tỉnh đồng bằng sông Cửu long gồm Long An, Tiền Giang, Cần Thơ, Cà Mau. Năm 2011, Trạm mở rộng mạng lưới quan trắc đến các tỉnh/thành phố thuộc khu vực miền Tây Nam Bộ gồm các tỉnh: Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Hậu Giang, Vĩnh Long, Trà Vinh và Bến Tre.


Vị trí các điểm quan trắc tại mỗi tỉnh/thành phố được lựa chọn mang tính đại diện cho từng khu vực trong tỉnh/thành phố và tập trung nhiều vào những khu vực có khả năng chịu tác động mạnh bởi các hoạt động của con người như các khu đô thị, khu công nghiệp. Điểm nền quan trắc môi trường chung cho khu vực được chọn tại huyện Mộc Hóa – Tỉnh Long An, khu vực này nhìn chung ít bị ảnh hưởng bởi các hoạt động công nghiệp và dân cư hơn các khu vực khác thuộc mạng lưới quan trắc do Trạm vùng đất liền 3 phụ trách. 

Một năm trạm thực hiện 02 đợt quan trắc, đợt quan trắc mùa khô từ tháng 03 đến tháng 04 và đợt mùa mưa từ tháng 09 đến tháng 10  trong năm. 

Các điểm/vị trí quan trắc được lựa chọn dựa trên những tiêu chí sau:

       • Các điểm quan trắc môi trường nước được bố trí dọc theo các sông lớn chảy ngang qua các khu đô thị, khu công nghiệp (trên đó có ít nhất một điểm thượng lưu và một điểm hạ lưu so với khu đô thị trung tâm của tỉnh/thành phố), tại các cửa kênh rạch tiêu thoát nước chính của các trung tâm đô thị, tại một số họng lấy nước vào nhà máy nước và tại một số khu vực đặc thù khác (điểm xuyên biên giới, điểm hợp lưu các sông lớn, khu vực bị ảnh hưởng của nước thải công nghiệp, bãi rác,…).

       • Các điểm quan trắc môi trường không khí được bố trí tại các nút giao thông chính có mật độ giao thông cao, điểm đại diện cho khu dân cư ít bị ảnh hưởng của giao thông và công nghiệp, điểm đại diện cho khu công nghiệp và điểm đại diện cho khu dân cư kề cận khu công nghiệp. Ngoài ra, mở rộng quan trắc ở các khu vực với các ngành nghề sản xuất đặc thù như: gạch ngói, xi măng và than gáo dừa,…

Các thông số quan trắc được lựa chọn mang tính đặc trưng chỉ thị ô nhiễm của các loại môi trường tương ứng bao gồm:

       • Thành phần môi trường nước mặt: Nhiệt độ, pH, DO, EC, TSS, Cl-,  độ đục,  BOD5, COD, P-PO43-, N-NO3-, N-NH4+, một số thông số kim loại (Fe, Cu, Pb, Zn, Cr, Ni, Hg), TBVTV họ Clo hữu cơ và thuỷ sinh (thực vật nổi, động vật nổi và động vật đáy không xương cỡ lớn).

        • Thành phần môi trường không khí: Vi khí hậu, Bụi  lơ lửng tổng số, bụi PM10, SO2, NO2, CO, HF Benzen và PAHs. Quan trắc mức ồn và cường độ xe.

Chương trình quan trắc môi trường của Trạm quan trắc Vùng 3 áp dụng các phương pháp lấy mẫu, bảo quản và phân tích theo các tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế hiện hành: TCVN, SMEWW, EPA, MASA, NIOSH, …. Và thực hiện các loại mẫu QA/QC: mẫu QC hiện trường và vận chuyển gồm: mẫu trắng hiện trường; mẫu lặp hiện trường, mẫu trắng vận chuyển và mẫu chuẩn vận chuyển. Mẫu QC phân tích trong PTN gồm: mẫu trắng thiết bị; mẫu trắng phương pháp, mẫu chuẩn và mẫu lặp. Bên cạnh phòng thí nghiệm còn thường xuyên tham gia chương trình so sánh liên phòng, thử nghiệm thành thạo. 

Có thể nói hoạt động của Trạm Quan Trắc và Phân tích Môi trường vùng đất liền 3 do Viện Môi trường và Tài nguyên phụ trách trong hơn 20 năm qua đã cung cấp nhiều thông tin giá trị và đáng tin cậy, giúp theo dõi sát sao diễn biến chất lượng môi trường vùng Đồng bằng Sông Cửu Long và TPHCM và hỗ trợ tích cực cho công tác quản lý nhà nước về BVMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan ban ngành có liên quan.