Trang chủ Chuyển giao công nghệ Hồ sơ năng lực

Viện Môi trường và Tài nguyên - Chuyển giao Công nghệ trong lĩnh vực Môi trường và Tài nguyên



Với vị trí là Viện nghiên cứu thành viên của ĐHQG-HCM, nhiệm vụ của Viện Môi trường và Tài nguyên được xác định trong Quyết định của Thủ tướng Chính phủ là: Nghiên cứu Khoa học – Đào Tạo Sau đại học – Triển khai Chuyển giao Công nghệ trong lĩnh vực Môi trường và Tài nguyên


      Với vị trí là Viện nghiên cứu thành viên của ĐHQG-HCM, nhiệm vụ của Viện Môi trường và Tài nguyên được xác định trong Quyết định của Thủ tướng Chính phủ là: Nghiên cứu Khoa học – Đào Tạo Sau đại học – Triển khai Chuyển giao Công nghệ trong lĩnh vực Môi trường và Tài nguyên. Bên cạnh đó, Viện còn được Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường (nay tách ra là Bộ Tài nguyên và Môi trường) giao phụ trách Trạm Quan trắc Môi trường Quốc gia (Trạm đất liền Quốc gia vùng 3, phụ trách vùng các tỉnh phía Nam).

Hình 1. Nhiệm vụ của Viện Môi trường và Tài nguyên 

     Qua gần 40 năm xây dựng và phát triển, Viện Môi trường và Tài nguyên – Viện nghiên cứu đầu tiên thuộc ĐHQG-HCM đã không ngừng phấn đấu và trở thành một Viện nghiên cứu hàng đầu trong lĩnh vực môi trường và tài nguyên ở khu vực phía Nam, đóng góp tích cực cho hoạt động nghiên cứu khoa học, đào tạo, chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực môi trường và tài nguyên trải rộng từ Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam, lưu vực hệ thống sông Đồng Nai, Thành phố Hồ Chí Minh đến các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long và Tây nguyên, cũng như các tỉnh miền Trung.  

Về nhân lực:

Viện đã trải qua 4 giai đoạn phát triển được dẫn dắt bởi các giáo sư đầu ngành trong lĩnh vực môi trường và tài nguyên: GS.TS. Lâm Minh Triết (giai đoạn thành lập và xây dựng nền tảng ban đầu 1996-2004), PGS.TS. Huỳnh Thị Minh Hằng (giai đoạn củng cố các nhóm nghiên cứu và phát triển các chương trình đào tạo 2004-2007), GS.TS. Nguyễn Văn Phước (giai đoạn đổi mới và mở rộng hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ 2011-2018), và giai đoạn hiện nay – giai đoạn mở rộng quy mô và nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, khẳng định vị thế của Viện trong ngành môi trường và tài nguyên trên phạm vi cả nước – do GS.TS. Lê Thanh Hải đảm trách theo quyết định bổ nhiệm Viện trưởng Viện Môi trường và Tài nguyên vào tháng 06/2019.

Tính đến tháng 04/2019, Viện đã có hơn 200 cán bộ nghiên cứu và giảng dạy, trong đó, có 8 Giáo sư và Phó Giáo sư, 25 cán bộ có trình độ tiến sĩ và hơn 50% trình độ thạc sĩ trở lên, còn lại đa số là trình độ Kỹ sư/Cử nhân có chuyên môn trong các lĩnh vực môi trường và tài nguyên. Nhiều cán bộ là NCS đã và đang học tập và nghiên cứu ở nhiều nơi trên thế giới: Đức, Nga, Thụy Sỹ, Áo, Hà Lan, Nhật Bản, Anh, Pháp, Thái Lan, Cộng hòa Séc…

Về cơ sở hoạt động:

Viện hiện hoạt động tại 3 trụ sở gồm:

  • Cơ sở chính tại Khu đô thị Đại học Quốc Gia TP.HCM, Phường Đông Hòa, Thị xã Dĩ An, Tỉnh Bình Dương diện tích 2,8 hecta;
  • Khu nhà làm việc tại 142 Tô Hiến Thành, Phường 14, Quận 10, TP.HCM với diện tích 1.282 m2;
  • Khu nhà làm việc của Trung tâm Quản lý Nước và Biến đổi khí hậu tại Khu đô thị Đại học Quốc Gia TP.HCM, Phường Đông Hòa, Thị xã Dĩ An, Tỉnh Bình Dương diện tích 2,1 hecta.

Với bề dày truyền thống lịch sử lâu dài cộng với vị thế của Viện Môi trường và Tài nguyên là một đơn vị thành viên của ĐHQG-HCM, Viện đã không ngừng phát triển và lớn mạnh về mọi mặt để trở thành một trong những đơn vị đầu đàn trên cả nước trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học, đào tạo và chuyển giao công nghệ về môi trường và tài nguyên:

  • Về nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ: là lĩnh vực thế mạnh hàng đầu của Viện. Với lợi thế về thương hiệu truyền thống, cơ sở vật chất phòng thí nghiệm hiện đại, đội ngũ cán bộ có kinh nghiệm và tâm huyết, ngoài các đề tài dự án và chương trình/nhiệm vụ cấp Nhà nước (chủ yếu do Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ Giáo dục và Đào tạo thông qua ĐHQG-HCM giao), hàng năm Viện còn thực hiện được rất nhiều đề tài dự án cấp tỉnh thành với kinh phí hàng chục tỷ đồng mỗi năm, nhất là tại khu vực các tỉnh Đông Nam bộ và Đồng bằng sông Cửu Long, đóng góp đáng kể cho công tác NCKH và CGCN cho khu vực. Nhiều công trình NCKH và CGCN của Viện (như công trình xử lý nước thải, xử lý khí thải, xử lý chất thải rắn và chất thải công nghiệp nguy hại, các dự án qui hoạch bảo vệ môi trường và tài nguyên, các công trình hạ tầng môi trường đô thị - khu công nghiệp và nông thôn…) đã được chuyển giao và ứng dụng thực tiễn tốt.

Hình 2. Lĩnh vực nghiên cứu

 

Hình 3. Chuyển giao công nghệ

  • Về đào tạo sau đại học: Có thể nói Viện đã trở thành đơn vị hàng đầu trong cả nước về đào tạo sau đại học trong lĩnh vực MT&TN. Tính đến thời điểm hiện nay Viện đã đào tạo được trên 850 thạc sĩ và 40 tiến sĩ chuyên ngành. Ngoài ra, còn các CTĐT TS phối hợp với nước ngoài (Thụy Sỹ, Nhật, Đức… với nhiều NCS đang học tập và nghiên cứu tại các nước nêu trên). Những ThS và TS tốt nghiệp tại Viện đã và đang đóng góp tốt cho sự nghiệp bảo vệ MT&TN trong cả nước, và nhiều người trong số họ đã và đang nắm giữ các vị trí chủ chốt trong các Viện nghiên cứu, Trường Đại học và Cơ quan quản lý nhà nước trong cùng lĩnh vực.
  • Về quan trắc môi trường: Với thế mạnh cơ sở vật chất PTN hiện đại và hoạt động bài bản, các phòng thí nghiệm của Viện đã đạt chứng chỉ về hệ thống quản lý chất lượng phòng thí nghiệm ISO/IEC 17025 từ năm 2004 và Chứng nhận đủ điều kiện hoạt động dịch vụ quan trắc môi trường VIMCERT (theo Thông tư số 19/2015/TT-BTNMT) từ năm 2015. Thêm vào đó, đội ngũ chuyên môn được đào tạo bài bản, hơn nữa lại được Bộ TN&MT giao nhiệm vụ quan trắc quốc gia hàng năm (Trạm Đất liền Vùng 3) từ năm 1996 đến nay, Viện đã và đang thực hiện những hoạt động quan trắc môi trường đa dạng (từ mạng lưới quan trắc quốc gia thực hiện định kỳ cho đến các hoạt động quan trắc theo nhu cầu của xã hội được giao nhiệm vụ (đặt hàng) từ các Cơ quan quản lý môi trường các địa phương, các doanh nghiệp SXCN, các dự án phát triển,… Nổi bật trong thời gian gần đây là việc hoàn thành nhiệm vụ quan trắc môi trường nước sông Thị Vải (để đánh giá thiệt hại do ô nhiễm môi trường) do Tổng cục Môi trường – Bộ TN&MT giao; nhiệm vụ quan trắc môi trường không khí xung quanh do hoạt động giao thông tại TP.HCM (từ 1996  đến nay),….
  • Về quan hệ hợp tác đối ngoại: Với bề dày hoạt động hơn 30 năm qua, Viện đã phát triển được một hệ thống các quan hệ đối ngoại khá đa dạng, góp phần đáng kể vào sự nghiệp phát triển của Viện (trong đào tạo, NCKH, CGCN và quan trắc môi trường). Tiêu biểu nhất có thể đến là Dự án Việt Nam – Thụy Sỹ tài trợ bởi SDC Thụy Sỹ (giữa Viện Kỹ thuật Liên bang Thụy Sĩ EPFL và Viện MTTN, kéo dài trong hơn 10 năm với 3 giai đoạn); Ngoài ra các dự án và hợp tác quốc tế với các đối tác khác có thể kể đến như: ĐH Toronto (Canada); ĐH Nông nghiệp Wagenningen (Hà Lan), Viện Công nghệ Châu Á (AIT, Thái Lan); Trung tâm xử lý dữ liệu viễn thám trái đất ERSDAC (Nhật Bản), Khoa SĐH thuộc ĐH Osaka (Nhật Bản); Viện ĐT về Nước UNESCO-IHE (Hà Lan); Bộ Giáo dục và Nghiên cứu CHLB Đức (BMBF), Dự án DAAD-EXCEED với DAAD và BMZ của CHLB Đức, dự án ASEA-UNINET với Áo, ASIA-LINK với CH Pháp,... Ngoài các quan hệ quốc tế kể trên, Viện cũng đã phát triển được một mạng lưới sau rộng với các cơ quan đơn vị trong nước như: Các Sở TNMT, Sở KHCN các tỉnh thành, các công ty/doanh nghiệp, Ban quản lý các KCN-KCX, các Trường Viện nghiên cứu và các đơn vị bạn,… góp phần thúc đẩy các loại hình phối hợp hợp tác và phát triển.

Vui lòng click vào đây để xem chi tiết. 

Bên cạnh đó, trong năm 2019, cùng với chủ trương của ĐHQG-HCM, Trung tâm Quản lý nước và Biến đổi khí hậu (WACC) - là một đơn vị trực thuộc ĐHQG-HCM sẽ được sáp nhập vào Viện, điều đó tạo nên nhiều cơ hội mới cho Viện như: tăng số lượng nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn; tăng cơ sở vật chất, đồng thời giúp Viện có thể mở rộng lĩnh vực hoạt động khoa học công nghệ và cũng như ngành đào tạo.

Hình 4.Trung tâm Quản lý nước và Biến đổi khí hậu (WACC)