Trang chủ Nghiên cứu khoa học Thông tin hoạt động KHCN

Viện Môi trường và Tài nguyên đẩy mạnh hợp tác với các tỉnh vùng Đồng bằng Sông Cửu Long



Những năm gần đây, Viện Môi trường và Tài nguyên đã và đang tích cực đẩy mạnh hơn nữa hợp tác với các địa phương vùng Đồng bằng Sông Cửu Long thực hiện các đề tài, dự án nghiên cứu khoa học và dịch vụ chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực bảo vệ môi trường…


Với vai trò là cầu nối giữa Đại học quốc gia TP.HCM (ĐHQG-HCM) và thực tiễn xã hội trong lĩnh vực BVMT, Viện Môi trường và Tài nguyên đã có những đóng góp tích cực trong công tác hỗ trợ các địa phương và cộng đồng thông qua các hoạt động NCKH và chuyển giao công nghệ. Viện đã triển khai và đóng góp tích cực trong việc thực hiện các thoả thuận hợp tác giữa Đại học quốc gia và các địa phương, trong đó có các tỉnh vùng Đồng bằng Sông Cửu Long như: An Giang, Bến Tre, Đồng Tháp, Tiền Giang, Cần Thơ, Kiên Giang, Cà Mau, Trà Vinh, Long An…

Khu vực đồng bằng sông Cửu Long là vùng Viện đã xây dựng được các mối liên hệ chặt chẽ và triển khai nhiều đề tài, nhiệm vụ KHCN gắn liền với các yêu cầu thực tế của vùng như mô hình kinh tế xanh, sinh kế bền vững, quản lý bền vững tài nguyên nước, ứng phó BĐKH… Hầu hết đề tài, nhiệm vụ KHCN đã được thực hiện thành công và được đánh giá cao về mọi mặt, được triển khai thực tế và chuyển giao các sản phẩm nghiên cứu lại cho các địa phương và người dân để đưa vào ứng dụng trong thực tiễn, phục vụ hiệu quả cho công tác bảo vệ môi trường và góp phần nâng cao chất lượng sống của cộng đồng… Không những thế, các sản phẩm của các đề tài, nhiệm vụ còn cung cấp cơ sở khoa học để các địa phương đưa ra các quyết định quan trọng trong công tác quản lý và bảo vệ tài nguyên môi trường. 

Giai đoạn 2018-2021, Viện đã triển khai cùng lúc nhiều nghiên cứu lớn phục vụ phát triển bền vững vùng này, tiêu biểu là các đề tài: Đề tài cấp Nhà nước trong chương trình KC, mã số KC.08.19/16-20 “Nghiên cứu xây dựng và triển khai một số mô hình giảm thiểu và xử lý chất thải phù hợp với các điều kiện tự nhiên đặc thù tại vùng nông thôn Đồng Bằng sông Cửu Long”; và 04 đề tài cấp Nhà nước thuộc Chương trình Tây Nam bộ: “Nghiên cứu mô hình sinh thái khép kín nhằm nâng cao chuỗi giá trị cho ngành chế biến thủy sản tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long”, Mã số KHCN-TNB.ĐT/14-19/C36; “Nghiên cứu ứng dụng và phát triển một số mô hình không phát thải hướng tới ngăn ngừa ô nhiễm cho cụm dân cư nông thôn vùng đồng bằng sông Cửu Long”, Mã số KHCN-TNB.ĐT/14-19/C25; “Nghiên cứu sự biến đổi môi trường sinh thái vùng hạ lưu sông Mekong thuộc lãnh thổ Việt Nam và đánh giá tác hại của các hoạt động kinh tế không được kiểm soát tại vùng thượng lưu sông Mekong”, Mã số 19/2017/KHCN-TNB.ĐT/14-19/C20; “Nghiên cứu giải pháp chuyển đổi sản xuất nông nghiệp thích ứng với hạn mặn vùng Tây Nam Bộ, nghiên cứu trường hợp điển hình tại tỉnh Bến Tre”,  Mã số 09/2017/KHCN-TNB.ĐT/14-19/C11. Tất cả các đề tài này đã được nghiệm thu vào cuối năm 2020 và trong năm 2021, được đánh giá rất cao. Từ những kết quả nghiên cứu thực tiễn đó, tại buổi tọa đàm “Bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045” do Ban Kinh tế Trung ương phối hợp ĐHQG-HCM tổ chức, GS.TS Lê Thanh Hải - Viện trưởng Viện Môi trường và Tài nguyên ĐHQG-HCM đã trình bày báo cáo “Các giải pháp nhằm bảo vệ tài nguyên và ứng phó với biến đổi khí hậu vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Báo cáo đã đưa ra những phân tích sâu sắc về các vấn đề tài nguyên môi trường, biến đổi khí hậu, cũng như giải pháp phát triển bền vững cho Đồng bằng sông Cửu Long trong tầm nhìn bao quát và dài hạn. 

    

Triển khai các nghiên cứu đỉnh cao của Viện tại vùng ĐBSCL giai đoạn 2018-2021

Những năm gần đây, Viện cũng đã triển khai các hoạt động hợp tác tại hầu hết các tỉnh/thành vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long với các nội dung hợp tác cụ thể như sau: 

1. Tỉnh Bến Tre: 

Bến Tre có nền kinh tế nông nghiệp chủ yếu ở 2 lĩnh vực trồng trọt và chăn nuôi. Trong đó chăn nuôi mặc dù đóng vai trò then chốt trong tăng trưởng kinh tế nhưng cũng kèm theo những tác động môi trường đáng quan tâm. Góp phần vào công tác quản lý tài nguyên nước tại địa phương, Viện MTTN thực hiện đề tài Nghiên cứu đánh giá khả năng tiếp nhận nước thải, sức chịu tải của kênh, rạch, mương trong chăn nuôi heo địa bàn huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre. Đây là địa bàn phát triển ngành chăn nuôi heo nhất tỉnh Bến Tre, có số lượng đàn heo chiếm trên 50% tổng đàn heo của tỉnh. Đề tài được thực hiện từ tháng 11/2021 đến tháng 10/2023, kết quả bước đầu đã đánh giá sơ bộ hiện trạng chăn nuôi heo trên địa bàn tỉnh và các tác động đến môi trường đặt biệt là môi trường nước mặt (kênh, rạch). 

Hiện tại, Viện cũng triển khai nhiệm vụ về Đánh giá hiện trạng và xây dựng kế hoạch quản lý chất lượng môi trường nước mặt tỉnh Bến Tre. Nhiệm vụ đang trong giai đoạn khảo sát và lấy mẫu đánh giá chất lượng nước, dự kiến tháng 11/2023 sẽ hoàn thành. Ngoài ra, Viện còn triển khai nhiệm vụ quan trắc chất lượng nước mặt tại khu vực lấy nước của các nhà máy cấp nước trong thời gian hạn mặn năm 2023 nhằm hỗ trợ công tác quản lý tài nguyên nước của tỉnh.

     

 

    

   Đo đạc và vận hành mô hình thí điểm

2. Tỉnh Long An:

Ngoài vấn đề nhiễm mặn, tỉnh Long An và nhiều địa phương khác vùng ĐBSCL đang phải đối diện với vấn đề ô nhiễm nguồn nước ngọt trong các hệ thống kênh rạch cung cấp cho sinh hoạt của hơn 1 triệu người dân. Trên cơ sở đó, Viện đã thực hiện nhiệm vụ đánh giá khả năng tiếp nhận nước thải, sức chịu tải của sông, kênh, rạch trên địa bàn tỉnh Long An, được thực hiện năm 2020-2021.

3. Tiền Giang:

Đối với địa bàn tỉnh Tiền Giang, năm 2019 Viện triển khai thực hiện đề tài Nghiên cứu xây dựng giải pháp tổng hợp nhằm quản lý bền vững nguồn nước lưu vực kênh Năng, hoàn thành vào năm 2022. Không chỉ tập trung vào lĩnh vực quản lý tài nguyên nước, Viện đã thực hiện nhiều đề tài, nhiệm vụ thuộc các lĩnh vực khí hậu, xử lý chất thải rắn, đặc biệt là chất thải nông nghiệp... Điển hình năm 2020, Viện đã thực hiện nhiệm vụ đánh giá khí hậu Tỉnh Tiền Giang; năm 2017 đến tháng 08/2020, Viện thực hiện đề tài về bghiên cứu sản xuất chế phẩm xử lý mùi hôi, tăng cường hiệu quả sản xuất phân compost từ rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh. 

4. Thành phố Cần Thơ:

Trong năm 2020 trên địa bàn thành phố Cần Thơ, Viện đã thực hiện 2 nhiệm vụ KHCN là Xây dựng, cập nhật kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu trên địa bàn TP. Cần Thơ, giai đoạn 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050 (từ năm 2020 đến năm 2021) và Đánh giá khí hậu Thành phố Cần Thơ thực hiện năm 2020.

5. Tỉnh Kiên Giang:

Quan trắc và giám sát môi trường là một trong những thế mạnh của Viện. Năm 2019, Viện đã được giao nhiệm vụ quan trắc và giám sát môi trường (thực hiện cam kết môi trường) thuộc Dự án Hệ thống Thủy lợi Cái Lớn – Cái Bé giai đoạn 1, thực hiện trong giai đoạn 2019-2021.

6. Tỉnh An Giang:

Một trong những đối tác chiến lược của Viện là tỉnh An Giang với các đề tài/nhiệm vụ thường niên và dài hạn. Một trong số đó có thể kể đến là đề tài về nghiên cứu xây dựng mô hình kinh tế xanh/sinh kế bền vững gắn với sinh thái môi trường tại các khu/cụm dân cư nông thôn tại An Giang trong điều kiện ứng phó với biến đổi khí hậu, thực hiện từ tháng 12/2018 đến tháng 12/2019.

   

      

 

 

Khảo sát trang trại trồng chuối tích hợp chăn nuôi bò và nuôi trùn quế tại tỉnh An Giang

Giai đoạn 2019-2020, Viện còn thực hiện nhiệm vụ điều tra, đánh giá sơ bộ khu vực có khả năng bị ô nhiễm chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở An Giang. Ngoài ra, Viện đang thực hiện đề tài cấp Nhà nước về Nghiên cứu các giải pháp phát triển sinh kế bền vững cho các cộng đồng dân cư nông thôn tỉnh An Giang gắn với sử dụng hợp lý tài nguyên, quản lý chất thải và bảo vệ môi trường, dự kiến hoàn thành vào tháng 3/2024. 

7. Tỉnh Đồng Tháp

Cũng giống như nhiều tỉnh/thành khác vùng ĐBSCL, Đồng Tháp có thế mạnh là sản xuất nông nghiệp, trong đó có hoạt động chăn nuôi và các ngành công nghiệp phục vụ chăn nuôi. Điều này dẫn đến thực trạng vấn đề ô nhiễm mùi nghiêm trọng ảnh hưởng đến chất lượng môi trường và làm suy giảm chất lượng cuộc sống của người dân địa phương. Năm 2020, Viện thực hiện đánh giá và mô phỏng lan truyền ô nhiễm mùi, từ đó đề xuất giải pháp kiểm soát mùi tại một số khu vực phát thải mùi của tỉnh Đồng Tháp. Nhiệm vụ được thực hiện trong giai đoạn từ 2020-2023.

8. Tỉnh Cà Mau

Gần đây, Viện triển khai đề tài nghiên cứu tại tỉnh Cà Mau về nghiên cứu đề xuất mô hình sinh kế bền vững theo định hướng kinh tế tuần hoàn nhằm thích ứng với các điều kiện tự nhiên bất lợi (mặn, phèn, BĐKH) cho người dân nông thôn trên địa bàn tỉnh Cà Mau. Đề tài bắt đầu thực hiện từ tháng 03/2023 dự kiến đến tháng 09/2024 sẽ hoàn thành nghiên cứu và ứng dụng mô hình thử nghiệm.

     

Khảo sát hiện trạng mô hình trồng lúa kết hợp nuôi cá nước ngọt tại tỉnh Cà Mau

9. Trà Vinh

Tháng 12 năm 2022, Viện hoàn thành nhiệm vụ “Đánh giá hiện trạng và đề xuất quy trình kiểm soát ô nhiễm môi trường tại mô hình nuôi tôm thâm canh và bán thâm canh trên địa bàn tỉnh Trà Vinh”. Nhiệm vụ được thực hiện từ tháng 11/2021.

Hầu hết các kết quả nghiên cứu KHCN trên đều được chuyển giao cho địa phương để đưa vào ứng dụng trong thực tế hoặc cung cấp cơ sở khoa học để các địa phương đưa ra các quyết định quan trọng trong công tác quản lý và bảo vệ tài nguyên môi trường, hỗ trợ xây dựng chính sách và chiến lược bảo vệ môi trường và tài nguyên. Các sản phẩm của các đề tài, nhiệm vụ như các công bố khoa học, giải pháp hữu ích, hỗ trợ đào tạo,… đã phục vụ tích cực cho hoạt động nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và đào tạo nhân lực, góp phần chung vào công cuộc BVMT và phát triển bền vững tại địa phương. Bên cạnh đó, các mô hình thí điểm của đề tài đã tạo ra những sản phẩm thực tế có khả năng thương mại hóa cao trong hoạt động sản xuất nông nghiệp tại khu vực để nâng cao thu nhập cho người dân như: biochar, đạm cá, phân compost, trùn quế...

     

 

  

 

  

  Hình ảnh triển khai mô hình

   

     

    

Lắp đặt túi trữ nước và thiết bị chưng cất nước ngọt

 

 Phát huy vai trò với thực tiễn xã hội trong lĩnh vực BVMT, bên cạnh việc hoạt động NCKH, Viện cũng thực hiện tốt các hoạt động dịch vụ và chuyển giao công nghệ nhằm quản lý các nguồn ô nhiễm, giảm thiểu chất thải phát sinh và hướng đến phát triển bền vững. Đây là một hoạt động khá đặc thù của Viện, với lợi thế về chuyển giao công nghệ và cung cấp dịch vụ KHCN, đặc biệt do Viện có Trung tâm Công nghệ Môi trường (CEFINEA) – một trong những đơn vị trực thuộc Viện có bề dày kinh nghiệm, có uy tín trong lĩnh vực dịch vụ tư vấn môi trường và xử lý chất thải. Trong lĩnh vực dịch vụ tư vấn và phân tích thí nghiệm, Viện đã thực hiện một lượng lớn hợp đồng tư vấn lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, giấy phép môi trường, đề nghị cấp giấy phép khai thác tài nguyên nước, giấy phép xả thải vào nguồn nước, báo cáo hoàn thành các công trình bảo vệ môi trường, kế hoạch vận hành thử nghiệm các công trình bảo vệ môi trường và quan trắc môi trường định kỳ cho các đối tác doanh nghiệp trong và ngoài nước tại Vùng ĐBSCL, tập trung vào một số ngành nghề thế mạnh của vùng như: chế biến lương thực thực phẩm, chế biến thuỷ hải sản. Công tác chuyển giao công nghệ mới, công nghệ cao và công nghệ xử lý chất thải hiệu quả trong một số lĩnh vực môi trường đặc thù như xử lý nước cấp và nước thải; xử lý bụi, khí thải; thông gió điều hoà không khí; xử lý chất thải rắn và chất thải nguy hại; ứng dụng các chế phẩm sinh học, hóa học để xử lý chất thải… đã góp phần giải quyết các vấn đề khó khăn của xã hội, đưa được nhiều tiến bộ khoa học áp dụng vào thực tiễn, góp phần BVMT ở các khu công nghiệp và đô thị của Vùng. Một số sản phẩm khoa học công nghệ và công trình chuyển giao công nghệ tiêu biểu tại khu vực ĐBSCL trong thời gian gần đây có thể kể đến như: Ứng dụng công nghệ MBBR - Moving Bed Biofilm Reactor kết hợp lắng siêu tốc trong xử lý nước thải thủy sản: được chuyển giao thành công để nâng công suất hệ thống xử lý nước thải thủy sản từ 2.800 m3/ngày đêm lên 4.000 m3/ngày đêm đạt QCVN 40-MT:221/BTNMT cột A tại Nhà máy chế biến thủy sản thuộc Công ty TNHH MTV Vĩnh hoàn Collagen (tỉnh Đồng Tháp); thiết kế, xây dựng, cải tạo hệ thống XLNT công suất 600 m3/ngày tại Công ty TNHH MTV Thanh Bình Đồng Tháp; cải tạo hệ thống xử lý nước thải công suất Q=80m3/ngày đêm cho Nhà máy may Vinatex Cần Thơ; cung cấp thiết bị xử lý nước thải cho Công ty Cổ phần Thủy sản Trường Giang v.v… và đặc biệt là sản phẩm dung dịch đầu tôm thủy phân và dung dịch cá tra thủy phân sử dụng cho cây trồng. Sản phẩm có thành phần dinh dưỡng cao đáp ứng nhu cầu sinh trưởng và phát triển của cây trồng, là chương trình hợp tác giữa Viện và Công ty Việt Nam FOOD.

     

Công trình thực tế MBBR kết hợp lắng siêu tốc tại Nhà máy chế biến thủy sản 

Nhờ những nỗ lực hoàn thiện không ngừng, nhờ những đóng góp của Viện trong công cuộc bảo vệ môi trường, phát triển bền vững vùng ĐBSCL, trong năm học 2021 – 2022, tập thể Công đoàn Viện đã được nhận Bằng khen của Công đoàn Giáo dục Viện Nam về việc “Đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua Nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ năm học 2021”. Ngoài ra các tập thể và cá nhân của Viện còn được vinh danh trong nhiều giải thưởng của ĐHQG-HCM về thành tích nghiên cứu khoa học và công bố khoa học xuất sắc.