Hành lang bảo vệ bờ biển được sử dụng như là một công cụ ngày càng phổ biến trên thế giới trong triển khai phương thức quản lý tổng hợp biển, hải đảo. Kinh nghiệm thực tiễn ở nhiều nước cho thấy, công cụ này đáp ứng được nhiều mục tiêu chính sách khác nhau như: góp phần bảo tồn đa dạng sinh học, duy trì các dịch vụ hệ sinh thái, bảo vệ các khu vực địa lý đặc thù trước nguy cơ ngập lụt và xói, sạt lở bờ biển, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu, nước biển dâng có chiều hướng diễn biến phức tạp và gia tăng không ngừng như hiện nay.
Theo Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo số 82/2015/QH13, Điều 23 và Điều 79 quy định các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có biển có trách nhiệm thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển thuộc phạm vi quản lý. Dựa trên Quyết định số 936/QĐ-UBND phê duyệt “Danh mục các khu vực phải thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển tỉnh Bình Thuận” nhằm tạo cơ sở cho việc thực hiện xác định chiều rộng, ranh giới hành lang bảo vệ bờ biển tỉnh Bình Thuận.
Hình 1. Cách xác định bề rộng Hành lang bảo vệ bờ biển
Năm 2023, Nhóm chuyên gia thuộc Trung tâm quản lý nước và Biến đổi khí hậu – Viện Môi trường và Tài nguyên đã phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Thuận thực hiện dự án “Thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển tỉnh Bình Thuận”, với các nội dung chính bao gồm: Thu thập thông tin dữ liệu phục vụ xác định chiều rộng hành lang bảo vệ bờ biển; Xác định chiều rộng của các khu vực thiết lập hành làn bảo vệ bờ biển; Xác định ranh giới hành lang bảo vệ bờ biển.
Tỉnh Bình Thuận có đường bờ biển trải từ mũi Đá Chẹt giáp Cà Ná (Ninh Thuận) đến bãi bồi Bình Châu (Bà Rịa-Vũng Tàu) với chiều dài 192 km, diện tích vùng biển của tỉnh là 20.288 km2, có đảo Phú Quý với diện tích khoảng 1.600 ha cách đất liền khoảng 120 km về phía Đông Nam và nhiều đảo nhỏ rải rác khác. Bờ biển Bình Thuận có cấu trúc địa hình, địa mạo phức tạp, tiêu biểu là dạng bờ hỗn hợp giữa các cung bờ bãi cát ăn lõm vào đất liền và các mũi đá, ghềnh đá nhô ra biển. Các nhân tố động lực tác động đến dải địa hình ven biển bao gồm: tác động của sông, tác động của khí hậu - hải văn (tác động của gió, sóng biển và thủy triều) và tác động của nhân sinh.
Nghiên cứu sử dụng các phương pháp bao gồm khảo sát, đo đạc chi tiết các khu vực ven biển; xây dựng bản đồ dựa trên các thông tin khảo sát thu thập được; và đặc biệt là phương pháp mô hình tính toán, kết hợp nhiều yếu tô khác nhau như địa lý, khí tượng, thuỷ văn, hải văn. Một số mô hình được áp dụng bao gồm: Mô hình trong đánh giá các đặc trưng thủy, thạch động lực sông, biển; Các mô hình đánh giá, cảnh báo, dự báo diễn biến tài nguyên, môi trường và tai biến thiên nhiên trong bối cảnh biến đổi khí hậu và nước biển dâng.
Hình 2. Khu vực khảo sát bờ biển Thị Xã Lagi
Nghiên cứu đã đánh giá đặc điểm vùng bờ, kết hợp với mô hình mô phỏng diễn biến đường bờ và vận chuyển bùn cát ngang bờ do bão gây ra để trích xuất số liệu, dữ liệu để tính toán khoảng cách giảm thiểu sạt lở bờ biển và khoảng cách nhằm phòng, chống, giảm thiểu thiệt hại do ngập lụt gây ra. Kết quả nghiên cứu đã xác định chiều rộng và ranh giới hành lang bảo vệ bờ biển của 54 khu vực dọc bờ biển tỉnh Bình Thuận.
Kết quả của dự án sẽ phục vụ các mục tiêu quản lý đa ngành của tỉnh Bình Thuận: Quy hoạch, nuôi trồng và khai thác thủy sản; Quy hoạch, xây dựng và khai thác các loại hình dịch vụ du lịch: Xây dựng các công trình, thăm dò và khai thác tài nguyên khu vực biển do địa phương quản lý; Góp phần đánh giá những biến động về địa hình, các ảnh hưởng của biến đổi khí hậu (lũ lụt, xói lở, xâm thực, bồi lấn) gây ra; Phục vụ cho việc phân vùng chức năng khai thác, sử dụng tài nguyên vùng bờ của tỉnh Bình Thuận; Phục vụ công tác cứu hộ, cứu nạn. Về an ninh, quốc phòng, nghiên cứu phục vụ công tác hoạch định, phân giới, góp phần ổn định an ninh, quốc phòng và khẳng định chủ quyền biển, hải đảo của đất nước. Về phương diện quản lý ngành Tài nguyên – Môi trường, dự án nghiên cứu góp phần phục vụ công tác xây dựng cơ sở dữ liệu tài nguyên và môi trường biển của địa phương.
Hành lang bảo vệ bờ biển tỉnh Bình Thuận được thiết lập là một trong những công cụ quan trọng giúp tỉnh quản lý vùng bờ, là cơ sở để định hướng quy hoạch phát triển kinh tế biển như du lịch, cảng biển, nghề cá, hệ thống các khu kinh tế, khu công nghiệp, đô thị ven biển, ... góp phần bảo vệ hệ sinh thái, duy trì giá trị dịch vụ của hệ sinh thái và cảnh quan tự nhiên ở vùng bờ; giảm thiểu sạt lở bờ biển, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; bảo đảm quyền tiếp cận của người dân với biển ở vùng bờ tỉnh Bình Thuận.