Trang chủ Nghiên cứu khoa học Thông tin hoạt động KHCN

Thành phố Hồ Chí Minh hướng đến mục tiêu Thành phố không phát thải



Trước xu thế biến đổi khí hậu và bối cảnh toàn cầu mới, Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050 đã được ban hành gắn với việc thực hiện Thỏa thuận Paris và hiện thực hóa cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26 đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Năm 2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định số 896/QĐ-TTg Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050, với mục tiêu thực hiện cam kết phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 và đạt đỉnh phát thải vào năm 2035, với những mục tiêu mạnh mẽ như trên văn bản này sẽ là cơ sở để các bộ, ngành, địa phương ngay từ bây giờ cần phải xây dựng kế hoạch giảm phát thải khí nhà kính (KNK) góp phần đạt được mục tiêu quốc gia.


Là đầu tàu kinh tế cả nước, TP. HCM đã và đang tích cực thực hiện các hoạt động kiểm kê KNK và triển khai kế hoạch Paris về BĐKH tại TP. HCM trong thời gian qua. Ngày 20/9/2022, Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) đã khởi động triển khai Dự án Năng lượng phân tán đô thị Việt Nam tại Tp. HCM với ngân sách hơn 11 triệu đô la, USAID và Sở Công Thương thành phố đã hợp tác đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu, triển khai sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả cũng như phát triển và triển khai các nguồn năng lượng tái tạo mới.
Năm 2023, Nhóm chuyên gia thuộc Trung tâm nghiên cứu ONKK và BĐKH – Viện Môi trường và Tài nguyên đã được USAID lựa chọn thực hiện nghiên cứu “Xây dựng kế hoạch hành động cho thành phố Hồ Chí Minh hướng đến mục tiêu thành phố không phát thải”, với các nội dung chính gồm: Đánh giá nhu cầu năng lượng và Xây dựng các kịch bản phát thải KNK cho TP. HCM; và Xây dựng lộ trình giảm phát thải khí nhà kính hướng tải phát thải ròng bằng 0 cho TP. HCM.
Ngày 17/5/2024, USAID và Sở Công thương đã tổ chức sự kiện tổng kết những thành công mà hai bên cùng đạt được trong hợp tác thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo và sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả tại TP. HCM, đơn vị tư vấn đã có buổi báo cáo kết quả thực hiện nghiên cứu “Xây dựng kế hoạch hành động cho thành phố Hồ Chí Minh hướng đến mục tiêu thành phố không phát thải” trước đại diện USAID và lãnh đạo UBND thành phố (Hình 3).
Nghiên cứu sử dụng mô hình LEAP, nền tảng phân tích phát thải thấp, nhằm phân tích chính sách năng lượng và đánh giá giảm thiểu biến đổi khí hậu, được phát triển tại Viện Môi trường Stockholm. LEAP đưa ra kết quả mô hình hóa dựa trên kịch bản được xây dựng giúp theo dõi mức tiêu thụ năng lượng, sản xuất và khai thác tài nguyên trong tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế. Nhóm nghiên cứu đã xây dựng 03 kịch bản phát thải KNK cho TP. HCM gồm: (1) Kịch bản thông thường (BAU) giả định rằng sau năm 2018 (năm cơ sở) sẽ không triển khai bất kỳ chính sách và biện pháp mục tiêu nào nhằm giảm thiểu lượng phát thải khí nhà kính, (2) Kịch bản giảm nhẹ phát thải Carbon (Low carbon emission) được xây dựng trên cơ sở xu thế phát triển kinh tế-xã hội của TP. HCM song song với các chính sách và biện pháp nhằm giảm thiểu lượng phát thải khí nhà kính, từ đặc thù của các ngành, lĩnh vực có tiềm năng giảm phát thải, (3) Kịch bản Net-zero đưa ra những tham vọng lớn hơn về việc cắt giảm phát thải KNK hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng “không” vào năm 2050. Kịch bản này ngoài việc tận dụng các công nghệ sẵn có, những chính sách và biện pháp từ TP. HCM, còn xem xét đến các biện pháp và hỗ trợ từ cấp quốc gia và quốc tế, áp dụng các biện pháp giảm phát thải trong mọi ngành, lĩnh vực có tiềm năng; tranh thủ ứng dụng tiến bộ công nghệ về giảm phát thải KNK, tận dụng các hỗ trợ về công nghệ và tài chính từ quốc tế. Kết quả cho thấy ở kịch bản giảm phát thải Carbon, đến năm 2030 tổng lượng CO2tđ phát thải đã giảm 18.1% so với kịch bản BAU, và tiếp tục giảm đạt 39.9% vào năm 2050. Trong nhóm kịch bản Net-Zero, thành phố sẽ áp dụng nhiều biện pháp cắt giảm mạnh mẽ phát thải CO2tđ, kết quả cho thấy đến năm 2030, tổng lượng lượng phát thải CO2tđ tại TP. HCM sẽ giảm mạnh đến 27.7% so với BAU và đến năm 2050 lượng CO2tđ có thể giảm đến 72.4% (Hình 1).

Hình 1. Kết quả các kịch bản giảm phát thải KNK tại TP.HCM

Để chi tiết hoá tiềm năng phát thải KNK từ các ngành, lĩnh vực, nghiên cứu đã tính toán, dự báo phát thải KNK cho các hoạt động Công nghiệp, Giao thông vận tải, Thương mại, Nông nghiệp và Dân sinh. Kết quả cho thấy hoạt động Giao thông được kỳ vọng sẽ có các bước chuyển đổi mạnh mẽ trong việc sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo và chuyển đổi phương thức vận tải, tăng cường hoạt động giao thông công cộng trong tương lai. Kết quả cho thấy nếu thành phố áp dụng các biện pháp đề ra tại kịch bản Net –Zero, sẽ cho hiệu quả cao nhất và nguồn giao thông sẽ cắt giảm được 68.9% lượng phát thải CO2tđ năm 2030, và lên đến 97.9% lượng phát thải CO2tđ năm 2050. Trong khi đó các giải pháp tại kịch bản giảm nhẹ chỉ giảm thiểu được 29.6% CO2tđ năm 2030 và 65.7% CO2tđ năm 2050, trong khi đó hoạt động Công nghiệp chỉ giảm 24.6% vào năm 2030 và 52.1% vào năm 2050 so với BAU. Đối với nguồn phát thải từ giao thông, các chính sách đề ra đã phần nào cho thấy hiệu quả trong việc quyết tâm đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng “không” mà Việt Nam đã cam kết tại COP-26 (Hình 2).​ Tính đến 2050, tổng lượng Carbon TP. HCM giảm thiểu được vào khoảng 2,0 Tỷ tấn CO2td.

​​​​​​Hình 2. Kết quả các kịch bản giảm phát thải KNK tại TP.HCM cho hoạt động Giao thông và Công nghiệp

 

Hình 3. Báo cáo kết quả thực hiện nghiên cứu tại UBND TP. HCM

Cuối cùng, Nghiên cứu cũng đã phân tích những thuận lợi và thách thức trong mục tiêu hướng tới phát thải ròng bằng “không” vào năm 2050 tại TP. HCM. Thông qua đó, nghiên cứu đã đề xuất và xây dựng lộ trình thực hiện cho 69 giải pháp trong các lĩnh vực năng lượng, công nghiệp, giao thông, thương mại, hộ gia đình, chất thải, nông nghiệp và thủy sản qua các giai đoạn từ 2021 – 2050.