Trang chủ Nghiên cứu khoa học Thông tin hoạt động KHCN

Nghiệm thu chương trình nghiên cứu trọng điểm gắn liền với nhóm nghiên cứu mạnh về Kỹ thuật và hệ thống không phát thải



Sáng ngày 25/6/2025, tại Nhà Điều hành ĐHQG-HCM, Hội đồng khoa học đã tổ chức đánh giá nghiệm thu chương trình nghiên cứu trọng điểm gắn với nhóm nghiên cứu mạnh do Viện Môi trường và Tài nguyên chủ trì, GS.TS. Lê Thanh Hải làm trưởng nhóm. Chương trình với tên gọi “Kỹ thuật và hệ thống không phát thải trong sản xuất công – nông nghiệp tại Việt Nam” (mã số NCM2020-24-01) được triển khai trong giai đoạn 2020–2025, nhằm phát triển cơ sở lý luận và ứng dụng thực tiễn cho các mô hình không phát thải phù hợp với điều kiện vùng miền. Hội đồng đánh giá cao kết quả nghiên cứu, đặc biệt là các đóng góp học thuật và chuyển giao công nghệ có giá trị, khẳng định năng lực của nhóm nghiên cứu mạnh trong lĩnh vực phát triển bền vững, quản lý môi trường và chuyển đổi xanh.


Sáng ngày 25 tháng 6 năm 2025, tại Nhà Điều hành Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh (ĐHQG-HCM), Hội đồng đánh giá nghiệm thu chương trình nghiên cứu trọng điểm gắn liền với nhóm nghiên cứu mạnh tại ĐHQG-HCM theo Quyết định số 511/QĐ-ĐHQG ngày 13 tháng 5 năm 2025 của ĐHQG-HCM với tên chương trình “Kỹ thuật và hệ thống không phát thải trong sản xuất công – nông nghiệp tại Việt Nam”, mã số NCM2020-24-01 do GS.TS. Lê Thanh Hải làm trưởng nhóm, Viện Môi trường và Tài nguyên là cơ quan chủ trì. Hội đồng dưới sự điều hành của GS.TS. Nguyễn Thị Thanh Mai (P.Giám đốc ĐHQG-HCM – Chủ tịch hội đồng) cùng 02 Ủy viên phản biện GS.TS. Nguyễn Phước Dân (Trường Đại học Bách Khoa – ĐHQG-HCM) và PGS.TS. Trương Thanh Cảnh (Trường Đại học Khoa học tự nhiên, ĐHQG-HCM) và các thành viên hội đồng khác đã đánh giá nghiệm thu chương trình.
Tại Hội đồng nghiệm thu, các Ủy viên đã đánh giá cao những đóng góp về mặt khoa học và thực tiễn của chương trì. Hội đồng thống nhất nghiệm thu và đánh giá chương trình đã hoàn thành các mục tiêu và nội dung nghiên cứu đã đặt ra.

   

Hình 1. Một số hình ảnh tại Hội đồng nghiệm thu

Nhóm nghiên cứu mạnh về kỹ thuật và hệ thống không phát thải thuộc chương trình “Kỹ thuật và hệ thống không phát thải trong sản xuất công – nông nghiệp tại Việt Nam” (website: http://zets.vn) được thành lập với mục tiêu chính là hoàn thiện cơ sở lý luận, phát triển thêm các khía cạnh mới trong ứng dụng kỹ thuật và hệ thống bền vững hướng tới không phát thải cho các đối tượng với các điều kiện tự nhiên, sinh thái khác nhau. Đồng thời triển khai trình diễn và mở rộng thêm các mô hình ứng dụng các kỹ thuật này cho các đối tượng khác nhau. Cách tiếp cận và phương pháp nghiên cứu chính và xuyên suốt của Nhóm nghiên cứu là xây dựng các kỹ thuật và hệ thống sinh thái theo hướng không phát thải và xử lý triệt để ô nhiễm thông qua việc ứng dụng các phương pháp tiếp cận được phát triển bởi các lý thuyết về: Không phát thải, Hệ thống sinh học tích hợp (IBS – Intergrated biosystems), Hệ thống công – nông nghiệp không phát thải (AIZES – Agro-Industrio Zero Emission Systems). 


Hình 2. Cơ sở lý luận liên quan đến quy trình và hệ thống hướng tới không phát thải trong điều kiện thực tiễn của các đối tượng ứng dụng khác nhau ở Việt Nam   

Dựa trên phương pháp luận về hệ thống và kỹ thuật không phát thải đã phát triển, trong giai đoạn 2019 đến 2020 nhóm nghiên cứu đã đăng ký thực hiện thành công các nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp Quốc gia, cấp tỉnh và Đại học Quốc gia TPHCM.  Các sản phẩm được triển khai thành công đã góp phần hoàn thiện cơ sở lý luận về hệ thống không phát thải đối với các khu vực có các điều kiện tự nhiên khác nhau ngoài phạm vi của chương trình nghiên cứu trọng điểm gắn liền với nhóm nghiên cứu mạnh. 

Bảng 1. Thành tích tổng thể của nhóm trong giai đoạn từ năm 2019 đến 2025

Trong 05 năm thực hiện chương trình, Nhóm nghiên cứu đã hoàn thành 100% số lượng sản phẩm theo thuyết minh đề cương đã được phê duyệt. Cụ thể đã triển khai và chuyển giao 10 mô hình thí điểm trên địa bàn 06 tỉnh/thành phố (Bến Tre, Lâm Đồng, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Thuận, Đồng Nai và TP. Hồ Chí Minh) thuộc các khu vực điển hình như Duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long. 
Hoàn thành 08 báo cáo khoa học cho 08 chuyên đề về phương pháp luận nghiên cứu liên quan đến kỹ thuật và hệ thống không phát thải, đề xuất các dự án nâng cao năng lực và cơ sở vật chất phục vụ nghiên cứu hệ thống bền vững, đánh giá các nguồn tài nguyên có thể tái tạo và đặc điểm tự nhiên sẵn có tại 04 khu vực điển hình nhằm nâng cao hiệu quả của mô hình không phát thải, thiết kế các phần mềm và công cụ hỗ trợ lựa chọn các giải pháp kỹ thuật cũng như hệ thống tích hợp, và đề xuất các giải pháp nhân rộng mô hình. 
Bên cạnh đó, Nhóm nghiên cứu đã công bố 07 bài báo quốc tế (6 bài Q1 và 1 bài Q2) thuộc danh mục WoS và có chỉ số IF cao như: Journal of Cleaner Production (SCIE, Q1, IF = 11.072), Process Safety and Environmental Protection (SCIE, Q1, IF= 7.926), Energy, Sustainability and Society (SCIE, Q1, IF= 4.494), Environmental Engineering Research (SCIE, Q2, IF= 3.932); 05 bài báo/bài trình bày đã đăng trên các hội thảo/hội nghị trong nước. 
Về sản phẩm đào tạo, đã hoàn tất đào tạo 02 nghiên cứu sinh (NCS), hỗ trợ đào tạo hoàn thành 03 chuyên đề thuộc luận án của các NCS thực hiện chủ đề kỹ thuật và hệ thống không phát thải; Đào tạo thành công 11 học viên cao học 20 sinh viên thực hiện luận văn tốt nghiệp; Đối với việc phát triển đội ngũ nghiên cứu, trong 5 năm qua đã có thêm 01 PGS, 02 TS, và 07 ThS là thành viên chính của NNCM. 
Đối với hoạt động chuyển giao công nghệ và sở hữu trí tuệ, nhóm đã đạt được 01 văn bằng độc quyền giải pháp hữu ích, 02 sáng chế có quyết định chấp nhận đơn hợp lệ và 02 chứng nhận quyền tác giả.
Trong thời gian tới, nhóm nghiên cứu sẽ tiếp tục hoàn thiện phương pháp luận về chủ đề kỹ thuật và hệ thống không phát thải trong quản lý và bảo vệ môi trường đô thị, công nghiệp và nông thôn, các chủ đề nghiên cứu cụ thể bao gồm: (1) – Nghiên cứu ứng dụng các kỹ thuật cốt lõi của công nghệ 4.0 (AI, IoT, Big Data,…) trong việc quản lý và vận hành các mô hình xử lý chất thải dựa trên nguyên tắc không phát thải; (2) – Nghiên cứu các công nghệ xử lý chất thải theo hướng giảm thiểu cacbon, thu hồi dinh dưỡng hướng đến phát thải ròng bằng không (Net-zero); (3) – Nghiên cứu các kỹ thuật sản xuất năng lượng tái tạo, năng lượng sinh khối, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, phát triển nguồn điện có phát thải carbon thấp trong mô hình không phát thải; (4) – Nghiên cứu phát triển cơ chế áp dụng tín dụng xanh (Green Credit) nhằm nhân rộng mô hình không phát thải đến các đối tượng khác nhau; (5) – Nghiên cứu xây dựng và hướng dẫn thực thi các cơ chế, chính sách phát huy hiệu quả trong hỗ trợ phát triển ứng dụng kỹ thuật và hệ thống không phát thải cho mục đích giảm phát thải khí nhà kính và đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng sạch ở Việt Nam.

Hình 3.Các mô hình hệ thống kỹ thuật và mô hình không phát thải thí điểm được triển khai thí điểm

 

    
Hình 4. Bằng độc quyền GPHI và GCN Quyền tác giả

 

Hình 5. Thiết kế các công cụ, và phần mềm hỗ trợ đề xuất mô hình và hệ thống bền vững