Trang chủ Quan hệ đối ngoại Hội nghị - hội thảo

Hội thảo quốc tế Mô hình hóa tác động của không khí ô nhiễm và biến đổi khí hậu đối với sức khỏe cộng đồng tại TP.HCM - HEALTHY AIR 2022



Ngày 8/6/2022, Tại Khách sạn Orchids Saigon, Viện Môi trường và Tài nguyên, ĐH Quốc gia TP.HCM đã phối hợp với Đại học Dublin (Ireland) tổ chức hội thảo quốc tế với chủ đề “Mô hình hóa tác động của không khí ô nhiễm và biến đổi khí hậu đối với sức khỏe cộng đồng tại TP.HCM (HealthyAIR 2022)”


          Hội thảo đã có sự tham dự, phát biểu chỉ đạo và khai mạc Hội Thảo của PGS.TS. Nguyễn Minh Tâm – Phó  GĐ ĐHQG –HCM. PGS. Nguyễn Minh Tâm đã nói rằng “Ô nhiễm không khí tiếp tục là một vấn đề lớn ở Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và các thành phố lớn khác trên cả nước. Hàm lượng các vật chất siêu nhỏ (PM2.5) tại Hà Nội, TP.HCM hiện đang vượt quá tiêu chuẩn khuyến nghị cho sức khỏe. Ô nhiễm không khí nói chung và phơi nhiễm các vật chất siêu nhỏ nói riêng hiện nay là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra các rủi ro về sức khỏe bệnh tật như bệnh về đường hô hấp, các nguy cơ dẫn đến tử vong sớm,…. Tất cả những vấn đề đó buộc chúng ta phải nhanh chóng có giải pháp để kiểm soát hàm lượng chất gây ô nhiễm không khí càng sớm càng tốt”. 

Hình. PGS.TS. Nguyễn Minh Tâm phát biểu khai mạc Hội thảo

 

Về phía Viện Môi trường và Tài nguyên, có GS. TS. Lê Thanh Hải, Viện trưởng - Trưởng ban tổ chức Hội thảo, đến tham dự và chỉ đạo các công tác tổ chức hội thảo. 

Hình. GS.TS. Lê Thanh Hải - Viện trưởng Viện Môi trường và Tài nguyên, Trưởng ban tổ chức Hội thảo
     

Tại hội thảo, 07 bài tham luận khoa học chất lượng, được chia thành 03 nhóm chính: Nhóm thứ nhất các tham luận ứng dụng trí tuệ nhân tạo dự báo, cảnh báo sớm ô nhiễm không khí (03 tham luận); Nhóm thứ hai các tham luận nghiên cứu nguồn gốc ô nhiễm không khí, nguồn gốc phát thải khí nhà kính và tác động ô nhiễm không khí đến sức khỏe (02 tham luận); và Nhóm thứ ba các tham luận về chính sách quản lý môi trường và ứng phó BĐKH (02 tham luận).

Hình. Các đại biểu tham gia hội thảo


     TS. Ricardo Simon Carbajo - Giám đốc Trung tâm Đổi mới và phát triển, Ứng dụng trí tuệ nhân tạo đã cung cấp các thông tin chung, quá trình triển khai và những kết quả đạt được sau 3 năm thực hiện dự án “HealthyAIR”. Dự án được tài trợ bởi Hội đồng Nghiên cứu Ireland (Irish Research Council) và Bộ Ngoại giao Ireland, nhằm giảm nhu cầu của con người, tăng các hành động vì khí hậu và tăng cường công tác quản lý. Dự án là sự hợp tác giữa CeADAR, Trung tâm Ứng dụng Trí tuệ Nhân tạo Ireland, có trụ sở tại University College Dublin (UCD), Ireland và Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh thông qua Viện Môi trường và Tài nguyên (IER) và Trường ĐH Kinh tế và Luật (UEL).  Thêm vào đó, TS. Ricardo cũng đã giới thiệu về Ứng dụng theo dõi chất lượng không khí HealthyAIR, Ứng dụng này có thể đo được nhiều chất gây ô nhiễm không khí như PM2.5, CO, O3, NO2, SO2… Dựa trên số liệu đo liên tục từ 6 trạm quan trắc không khí tự động, ứng dụng này HealthyAIR đưa ra các khuyến cáo, cảnh báo về chất lượng không khí cho các nhóm đối tượng có các bệnh như: hen suyễn, viêm xoang, hô hấp…

Hình. TS. Ricardo Simon Carbajo giới thiệu về dự án


     Còn theo PGS.TS. Hồ Quốc Bằng (ĐHQG-HCM, đồng giám đốc dự án HealthyAIR), đề xuất TP HCM nên kiểm soát ngay khí thải xe máy bằng cách loại bỏ những xe gắn máy cũ nát; thực hiện việc kiểm tra khí thải xe gắn máy. Và TP HCM cần xây dựng kế hoạch quản lý chất lượng không khí từ nay đến 2025, tầm nhìn đến 2030 theo yêu cầu của Bộ TN-MT.

Hình. PGS.TS. Hồ Quốc Bằng (ĐHQG-HCM, đồng giám đốc dự án HealthyAIR)


PGS.TS. BS. Lê Thị Tuyết Lan - Chủ tịch Hội Hen suyễn, Dị ứng và Miễn dịch lâm sàng TP HCM cho biết, hậu quả mạn tính của ô nhiễm không khí gây tăng tần suất hen xuyễn và COPD, suy giảm chức năng hô hấp, ung thư phổi và kéo theo các bệnh về tim mạch. 

Hình. PGS.TS. BS. Lê Thị Tuyết Lan đang trình bày về sức khỏe và ảnh hưởng từ sự ÔNKK


PGS.TS. Rajnish Rakhola và TS. Quân Lê - Chuyên gia AI tại CeADAR, University College Dublin  đã trình bày các nghiên cứu về AI, Machine Learning. Các mô hình được đề xuất trong dự án này có khả năng dự báo bụi mịn không khí PM2.5 theo giờ và trong 24 giờ, có ý nghĩa lớn trong việc đưa ra cảnh báo sớm về các giai đoạn ô nhiễm không khí nguy hiểm đối với người dân TP HCM.

Hình.PGS.TS. Rajnish Rakhola

 

Hình. TS. Quân Lê


Đối với vấn đề chính sách và thực thi, hội thảo đã được nghe 02 bài trình bày của TS.Koji Fukuda - Cố vấn cao cấp của Cơ quan hợp tác phát triển Nhật Bản JICA và PGS.TS. Đoàn Thị Phương Diệp – Trường ĐH Kinh tế - Luật, ĐHQG-HCM. 

Hình.  PGS.TS. Đoàn Thị Phương Diệp

 

Hình. TS.Koji Fukuda

Hội thảo đã nhận được sự quan tâm rất lớn của gần 100 đại biểu là cán bộ từ các Sở Ban Ngành, các chuyên gia đến từ các Đại sứ quán Mỹ, Pháp, các nhà khoa học và chuyên gia đến từ các trường, viện, cơ quan nghiên cứu, các bác sỹ và nhân viên y tế từ các bệnh viện, Trung tâm kiểm soát bệnh tật….cùng với các phóng viên báo đài đến đưa tin về hội thảo. Các đại biểu tham gia đã có những trao đổi, thảo luận với các báo cáo viên để làm rõ các vấn đề trong dự án, đặc biệt là trong lĩnh vực AI trong Ô nhiễm không khí, hiện đang còn khá mới mẻ ở Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng. Ngoài ra, các đại biểu cũng quan tâm đến những chính sách và hoạt động cấp bách mà TPHCM cần phải thực hiện để giảm ô nhiễm không khí và tăng cường sức khỏe của cộng đồng.