Trang chủ Giới thiệu chung Giới thiệu Viện

Viện Môi Trường Và Tài Nguyên 25 Năm Xây Dựng Và Phát Triển



24/10/2021 là ngày Viện Môi trường và Tài nguyên đánh dấu chặng đường 25 năm xây dựng, phát triển và cũng là 25 năm đồng hành cùng với sự phát triển của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh (ĐHQG-HCM).


      Viện MT&TN chính thức ra đời vào ngày 24/10/1996, nhưng đã có khoảng 16 năm hoạt động trước đó với các tên gọi khác nhau, khởi đầu là trên cơ sở Bộ môn Môi sinh thành lập năm 1980 với chức năng đào tạo cán bộ lĩnh vực môi trường trình độ Đại học, chuyển giao công nghệ do GS.TS. Lâm Minh Triết sáng lập. Trong quá trình thời gian dài hình thành, xây dựng và phát triển, Viện MT&TN đã có những đóng góp không nhỏ cho xã hội liên quan đến mọi mặt của công tác NCKH, đào tạo và CGCN trong lĩnh vực môi trường, tài nguyên và BĐKH, góp phần tích cực xây dựng và phát triển mô hình đại học định hướng nghiên cứu ứng dụng trong hệ thống ĐHQG-HCM; tạo ra một môi trường thuận lợi cho sự hợp tác, liên kết giữa các nhà quản lý và các đồng nghiệp khoa học trong cùng lĩnh vực. Viện Môi trường và Tài nguyên ĐHQG-HCM đạt được những thành tựu trong 25 năm qua, trước tiên là do nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của Lãnh đạo ĐHQG-HCM, sự đầu tư và hỗ trợ quan trọng của Bộ GD-ĐT, Bộ KH&CN,  Bộ TN-MT, Bộ KH-ĐT và các Sở, ngành địa phương. Đồng thời, cũng là kết quả của sự cống hiến, đóng góp và nỗ lực phấn đấu cuả nhiều thế hệ thầy, cô giáo và tập thể CB-VC của Viện.

 

     

        Về đào tạo, Viện Môi trường và Tài nguyên vinh dự là cơ sở đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao, đáp ứng yêu cầu phát triển ngành môi trường, là trung tâm khoa học công nghệ có uy tín về môi trường, góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước. Toàn Viện hiện có hơn 200 cán bộ, giảng viên và công nhân viên. Đến nay, đã đào tạo cho đất nước hơn 1200 Thạc sĩ, khoảng 50 Tiến sĩ khoa học chuyên ngành. Viện đã đóng vai trò quan trọng trong việc nghiên cứu, chuyển giao những tiến bộ kỹ thuật và công nghệ vào việc cải thiện, quản lý, sử dụng hợp lý và bảo vệ tài nguyên môi trường và ứng phó với BĐKH.

 

    

 

      Về hoạt động KHCN, là lĩnh vực hoạt động quan trọng của mình, trong 25 năm hoạt động, Viện đã triển khai khoảng 15 đề tài NCKH lớn cấp quốc gia, Chương trình Tây Nam Bộ, khoảng hàng trăm đề tài cấp Bộ/ĐHQG, cấp tỉnh thành và hàng ngàn nhiệm vụ KHCN có ý nghĩa cho cộng đồng địa phương và doanh nghiệp... đặc biệt là phần lớn các đề tài và nhiệm vụ KHCN được triển khai tại 2 khu vực thuộc các tỉnh Vùng KTTĐ phía Nam và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Các hoạt động NCKH của các cán bộ của Viện đã được cụ thể hóa thông qua các loại sản phẩm khoa học khác nhau, trong đó Viện chú trọng việc công bố trên các tạp chí uy tín hàng đầu thế giới trong lĩnh vực khoa học có liên quan. Hoạt động này được đẩy mạnh trong thời gian gần đây, với trung bình 30 – 40 bài báo xếp hạng Q1 và Q2 thuộc danh mục của WoS, và rất nhiều bài báo khoa học thuộc các tạp chí trong nước khác. Tính trung bình lượng công bố quốc tế trên WoS đạt chỉ tiêu 1bài/1TS/năm. 

 

  

     

Về hoạt động HTQT, Viện luôn chú trọng đẩy mạnh hợp tác quốc tế phục vụ cho các mục tiêu NCKH, CGCN và Đào tạo SĐH của mình. Nhiều dự án hợp tác quốc tế với Liên minh châu Âu, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hà Lan, CHLB Đức, CH Áo... được tiếp tục triển khai hiện. Viện cũng đã phối hợp chặt chẽ với các Bộ, Sở, Ngành; các Trường, Viện nghiên cứu, Hiệp hội và các doanh nghiệp trong giải quyết các vấn đề về môi trường cho cộng đồng. Thông qua các hoạt động hợp tác Quốc tế này, cán bộ Viện được đào tạo nâng cao trình độ, Phòng thí nghiệm được đầu tư hiện đại và công bố khoa học trên các tạp chí uy tín ngày càng nhiều hơn..

 

       

   

      Về công tác CGCN trong lĩnh vực bảo vệ môi trường và sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, ứng phó với BĐKH, đưa được nhiều tiến bộ khoa học vào thực tiễn, góp phần bảo vệ môi trường ở các khu công nghiệp và đô thị. Đặc biệt là nhiều công trình CGCN của Viện (như công trình xử lý nước thải, xử lý khí thải, xử lý chất thải rắn và chất thải công nghiệp nguy hại, các dự án quy hoạch bảo vệ môi trường và tài nguyên, các công trình hạ tầng môi trường đô thị, khu công nghiệp và nông thôn…) đã được chuyển giao và ứng dụng thực tiễn tốt tại các doanh nghiệp và địa phương trong suốt thời gian qua. 

 

  

 

      Về cơ sở vật chất trang thiết bị, Viện hoạt động tại 02 cơ sở, cơ sở mới hiện đại khang trang thuộc khu đô thị ĐHQG-HCM. Đến nay Viện đã có tương đối đầy đủ cơ sở vật chất cho họat động đào tạo và nghiên cứu khoa học, bao gồm phòng học, thư viện, hệ thống phòng thí nghiệm đạt tiêu chuẩn và trang thiết bị hiện đại.

 

     

 

        Về xây dựng đội ngũ và phát triển tổ chức, Viện đã có 10 phòng chuyên môn, 4 phòng thí nghiệm với các định hướng nghiên cứu toàn diện và đúng đắn về quản lý tài nguyên và môi trường đô thị và công nghiệp, công nghệ xử lý chất thải, xử lý chất thải nguy hại bằng các công nghệ tiên tiến, tái chế chất thải thành các sản phẫm hữu dụng như bùn thải, tro xỉ các lò đốt, thích ứng biến đổi khí hậu, có hệ thống Phòng thí nghiệm trọng điểm với một đội ngũ cán bộ nghiên cứu mạnh và tâm huyết. Bên cạnh đó, Viện thường xuyên hợp tác cùng các nhà khoa học tại các Viện/trường trong và ngoài Đại học Quốc gia trong lĩnh vực Môi trường và Tài nguyên.

      Với những thành tựu đã đạt được trong suốt quá trình hoạt động của mình, Viện đã nhận được nhiều thành tích, cũng như sự ghi nhận của Nhà nước và cộng đồng, trong đó nổi bật là Huân chương lao động hạng Nhất do Nhà nước trao tặng cho Viện trong năm 2021, Huân chương Lao động hạng Nhì, Huân chương Lao động hạng Ba, Bằng khen của Chính phủ, Bằng khen của Bộ TN&MT, của các tỉnh/thành và nhiều danh hiệu khác của ĐHQG-HCM. Tất cả các thành tựu nêu trên có được là do sự đóng góp của toàn thể CBCNV của Viện qua nhiều thời kỳ, cũng như sự giúp đỡ hiệu quả của các cấp lãnh đạo, đặc biệt là lãnh đạo ĐHQG-HCM, các đồng nghiệp trong và ngoài nước và các bạn học viên SĐH,... 


     Một trong những sự kiện nổi bật nhất trong dip kỷ niệm 25 năm thành lập Viện là Viện đã xây dựng đề án chuyển đổi Viện Môi trường và Tài nguyên thành Trường Đại học Công nghệ Môi trường và đã được Hội đồng ĐHQG thông qua đồng thời Viện đang trình Thủ tướng chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt.  Với những định hướng phát triển mô hình mới trên cơ sở tiếp nối truyền thống Viện Môi trường và Tài nguyên hứa hẹn một tương lai phát triển bền vững hơn.