Trang chủ TCTV Khoa học Trái đất và Môi trường - Tạp chí PTKH&CN Tin tức - Thông báo

Tổng hợp các bài báo thuộc số M1-2022 TCTV Khoa học Trái đất và Môi trường



Số M1-2022 của Tạp chí thành viên Khoa học Trái đất và Môi trường gồm 09 bài báo khoa học chất lượng thông qua vòng phản biện kín, kiểm duyệt chất lượng QC.


Tóm tắt các bài báo được đăng trong số M1.2022

 

1. Lê Việt Thắng, Phan Hùng Việt (2022), Xác định khối lượng, đánh giá thành phần và tính chất của chất thải rắn tại bãi chôn lấp không hợp vệ sinh Suối Rao

Tóm tắt: Việt Nam hiện có 80% bãi chôn lấp (BCL) không hợp vệ sinh (KHVS), do đó việc cải tạo, xử lý và phục hồi môi trường tại các BCL này sau khi đóng cửa là rất cần thiết và cấp bách. Tuy nhiên, hiện tại hầu hết các BCL KHVS đều không có số liệu thống kê lượng chất thải rắn (CTR) được đổ thải, cũng như số liệu về thành phần, tính chất của CTR chôn lấp – Đây là những thông tin cần thiết để các nhà quản lý đưa ra những phương án khả thi nhằm xử lý, phục hồi môi trường tại các BCL. Bài báo này trình bày trường hợp nghiên cứu điển hình tại BCL KHVS Suối Rao thuộc huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu (BR-VT) với mục tiêu: Xác định khối lượng CTR chôn lấp; Đánh giá thành phần, tính chất của CTR tại BCL. Trên cơ sở ứng dụng phương pháp địa thống kê, cùng với công tác xác định vị trí hố đào, đào hố xác định độ sâu chôn lấp và lấy mẫu phân tích thành phần, tính chất của CTR, kết quả nghiên cứu cho thấy: có 6.387 tấn CTR được chôn lấp tại BCL Suối Rao, thấp hơn 12 lần so với dự báo của Sở Tài nguyên và Môi trường (TNMT) (76.295 tấn); Chất thải hầu hết đã bị phân hủy với thành phần hữu cơ dễ phân hủy sinh học chiếm 1,85% và khó phân hủy sinh học chiếm 27,28%, phần còn lại sau phân loại (đất, cát, mùn) chiếm tới 69%; Tỷ trọng CTR thấp với 467 kg/m3, độ ẩm ở mức 26,1%; Hàm lượng kim loại nặng (KLN) trong đất của khối CTR chôn lấp tại BCL Suối Rao đều đạt quy chuẩn cho phép, dẫn đến mức độ ảnh hưởng của hàm lượng KLN trong đất của BCL Suối Rao đến môi trường xung quanh thấp. Kết quả nghiên cứu có ý nghĩa quan trọng để các cấp quản lý trên địa bàn huyện Châu Đức đưa ra các phương án khả thi phù hợp với thực tế nhằm xử lý, cải tạo, phục hồi môi trường BCL Suối Rao trong tương lai.

Xem thêm tại: https://doi.org/10.32508/stdjsee.v6i1.552

 

2. Nguyễn Thông, Nguyễn Thị Diễm Thúy, Nguyễn Phước Thạch Thảo, Lê Hoàng Anh, Đào Nguyên Khôi (2022), Đánh giá diễn biến chất lượng nước sông Sài Gòn – Đồng Nai dưới ảnh hưởng sự cố xả thải nước thải sinh hoạt

Tóm tắt: Nghiên cứu được thực hiện nhằm đánh giá hiện trạng và diễn biến chất lượng nước mặt (BOD5 và DO) dưới ảnh hưởng của hoạt động xả thải nước thải sinh hoạt vào mùa khô (tháng 04/2016) và mùa mưa (tháng 10/2016) tại các trạm bơm Hòa Phú trên sông Sài Gòn và trạm bơm Bình An, Hóa An trên sông Đồng Nai bằng mô hình MIKE 21FM. Kết quả hiện trạng chất lượng nước vào cả hai mùa cho thấy có sự ô nhiễm hữu cơ nhẹ tại trạm Hòa Phú và nồng độ BOD5, DO hầu hết đạt tiêu chuẩn so với cột A2 cho mục đích cấp nước sinh hoạt theo QCVN 08-MT:2015/BTNMT tại cả hai trạm Bình An và Hóa An. Sau đó, nghiên cứu xây dựng các kịch bản xả thải từ nguồn thải sinh hoạt tại khu vực đông dân cư của Tp.Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương thải ra sông Sài Gòn cách trạm bơm Hòa Phú khoảng 4 km và Tp. Biên Hòa tỉnh Đồng Nai thải ra sông Đồng Nai cách trạm bơm Hóa An khoảng 4,7 km và Bình An khoảng 5,3 km, lưu lượng thải lần lượt là 0,66 m3/s và 2,15 m3/s. Kết quả cho thấy, tại trạm Hòa Phú và Hóa An hầu như không bị ảnh hưởng, tại trạm bơm Bình An có sự ảnh hưởng rõ rệt vào mùa khô làm cho chất lượng nước tại đây không đạt tiêu chuẩn cột A2

Xem thêm tại: https://doi.org/10.32508/stdjsee.v6i1.655

 

3. Phạm Như Sang, Nguyễn Hữu Hiệp, Hoàng Văn Long, Khương Thế Hùng, Nguyễn Lâm Anh, Trịnh Thanh Trung (2022), Đánh giá vai trò của sông Mekong trong việc đóng góp trầm tích ở khu vực Tây Nam Biển Đông.

Tóm tắt: Sông Mekong là con sông lớn nhất xung quanh Biển Đông và chúng có vai trò quan trọng trong việc cung cấp trầm tích cho khu vực phía Tây Nam Biển Đông. Trong nghiên cứu này, khoáng vật sét và thành phần nguyên tố trong các lỗ khoan trầm tích MD01-2393, MD97-2150, SO18383-3, 86GC và KC09 từ các nghiên cứu trước được sử dụng để đánh giá nguồn gốc trầm tích khu vực phía Tây Nam Biển Đông và vai trò đóng góp trầm tích của sông Mekong đối với khu vực này. Dựa trên phân tích khoáng vật sét và thành phần nguyên tố trong các lỗ khoan trầm tích cho thấy, trầm tích của khu vực Tây Nam Biển Đông chủ yếu đến từ sông Mekong, trong khi đó các con sông ở Borneo, Malay, Sumatra và Thái Lan đóng góp lượng trầm tích không đáng kể cho khu vực này. Bên cạnh đó, dựa vào thành phần độ hạt mịn là bột và sét cùng với sự xuất hiện phổ biến của các loài trùng lỗ trong các lỗ khoan trầm tích cho thấy trầm tích của khu vực này không phải do quá trình phong hóa tại chỗ từ các đá gốc ngầm ở khu vực phía Tây Nam Biển Đông sản sinh ra. Nghiên cứu này đã chỉ ra vai trò quan trọng nhất của sông Mekong trong việc cung cấp vật liệu trầm tích cho khu vực phía Tây Nam Biển Đông.

Xem thêm tại: https://doi.org/10.32508/stdjsee.v6i1.656

 

4.  Lê Đức Trung, Nguyễn Văn Huy, Trần Minh Bảo, Nguyễn Dương Tâm Anh, Trà Văn Tung (2022), Xử lý bùn đáy ao nuôi tôm trên địa bàn huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre theo hướng tái sử dụng làm nguyên liệu sản xuất phân hữu cơ.

Tóm tắt: Trong nghiên cứu này, bùn đáy ao nuôi tôm thâm canh ở huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre được thu hồi và xử lý theo hướng tái sử dụng làm nguồn nguyên liệu để sản xuất phân hữu cơ bằng quá trình phân hủy hiếu khí có sử dụng rơm rạ làm chất độn và ủ trong 52 ngày. Kết quả cho thấy rằng các đặc tính của bùn đáy ao nuôi tôm thay đổi đáng kể trong suốt quá trình ủ (composting) và chứa các yếu tố dinh dưỡng, đạt hàm lượng theo yêu cầu ối với phân bón hữu cơ ứng dụng trong nông nghiệp. Sau thời gian ủ 52 ngày, pH biến thiên trong khoảng 6,95 đến 7,04. Độ ẩm dao động trong khoảng từ 68,3% đến 52,1%. Nhiệt độ trong quá trình ủ phân dao động mạnh: từ 21,50C đến 43,40C. Độ mặn giảm từ 15,24 ppm xuống 12,36 ppm. Tỉ lệ C/N trong mẫu bùn ban đầu là 8,64 và sau khi ủ tỉ lệ C/N (TN1) = 6,4, C/N (TN2) =7,6. Sau 52 ngày ủ, khối phân compost từ bùn đáy ao nuôi tôm có thành phần hữu cơ là 15,6%, tổng ni-tơ là 2,2%, tổng phốt pho là 1,8%. 

Xem thêm tại: https://doi.org/10.32508/stdjsee.v6i1.669

 

5. Hoàng Nhật Trường, Lý Thị Bích Trâm, Đỗ Thị Thu Huyền, Nguyễn Minh Hiếu (2022), Tích hợp phương pháp phân tích thứ bậc Fuzzy-AHP và phương pháp Fuzzy -GIS trong phân vùng phát triển điện gió tỉnh Bạc Liêu theo hướng bền vững.

Tóm tắt: Dưới góc độ kinh tế, môi trường và xã hội, việc lựa chọn địa điểm dự án gió là một bài toán khó với nhiều tiêu chí cần xem xét. Nghiên cứu này đề xuất một bộ công cụ hỗ trợ ra quyết định thông qua việc tích hợp phương pháp phân tích thứ bậc Fuzzy-AHP nhằm xác định trọng số của các tiêu chí và phương pháp Fuzzy -GIS để chuẩn hóa dữ liệu và xây dựng bản đồ phân vùng khu vực tiềm năng, xác định các phương án bố trí tối ưu các nhà máy điện gió. Nghiên cứu đã đề xuất 02 bộ tiêu chí đánh giá, bao gồm bộ các tiêu chí loại trừ và bộ các tiêu chí đánh giá xếp hạng mức độ ưu tiên các khu vực phát triển điện gió. Nhóm bộ tiêu chí đánh giá được phân ra thành 3 nhóm tiêu chí cấp 1 và 10 tiêu chí cấp 2. Bên cạnh kết quả nghiên cứu cho thấy sự phù hợp với quy hoạch phát triển điện gió của tỉnh Bạc Liêu, một kết quả nổi bật của nghiên cứu là: Trong khi những nhà ra quyết định cho rằng các khu vực đất trồng lúa, chiếm 83,86% tổng diện tích của tỉnh, không thích hợp để phát triển điện gió thì nhóm nghiên cứu phát hiện ra rằng các khu vực ruộng lúa cần được đưa vào khu vực xem xét quy hoạch vì có tốc độ gió lớn cũng như các tác động tích cực của các trang trại gió mang lại cho năng suất cây trồng và giảm thiểu tác động tiêu cực lên môi trường tự nhiên.

Xem thêm tại: https://doi.org/10.32508/stdjsee.v6i1.677

 

6. Nguyễn Mộng Giang, Trần Thị Mỹ Hồng, Võ Lê Phú, Lê Song Giang (2022), Nghiên cứu dòng chảy khu vực Cù Lao Rùa trên sông Đồng Nai bằng mô hình toán số 3 chiều,

Tóm tắt: Cù lao Rùa thuộc xã Thạnh Hội, thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương là một trong những khu vực sạt lở nghiêm trọng ở vùng hạ du sông Đồng Nai. Một mô hình toán số 3 chiều đã được xây dựng cho đoạn sông tại Cù lao để nghiên cứu cấu trúc dòng chảy ở đây. Mô hình được hiệu chỉnh với số liệu thực đo năm 2017. Sử dụng mô hình dòng chảy toàn bộ đoạn sông đã được tính toán mô phỏng. Kết quả tính toán đã cho thấy rõ nét cấu trúc 3 chiều của dòng chảy tại đoạn sông, đặc biệt là tại các đoạn cong thường xảy ra sạt lở. Kết quả tính toán cũng đã cho thấy phân bố ứng suất tiếp đáy trên đoạn sông, một thông số có ý nghĩa quyết định tới quá trình bồi xói lòng sông.

Xem thêm tại: https://doi.org/10.32508/stdjsee.v6i1.685

 

7. Trương Công Phú, Chế Đình Lý, Bùi Xuân An (2022), Xây dựng bộ chỉ thị đánh giá tính bền vững trong sử dụng đất tỉnh Tây Ninh

Tóm tắt: Mục đích của bài báo là xây dựng bộ chỉ thị đánh giá tính bền vững trong sử dụng đất nông nghiệp áp dụng cho tỉnh Tây Ninh, để có được bộ chỉ thị tác giả đã tham khảo nhiều chỉ thị liên quan đến tính bền vững, đặc biệt là trong sử dụng đất nông nghiệp đã công bố ở Việt Nam và trên thế giới. Trên cơ sở đó tác giả đã sử dụng phương pháp phân tích thứ bậc AHP xác định trọng số các tiêu chí sử dụng sàng lọc tích hợp với điểm số đánh giá các chuyên gia phù hợp chuyên ngành nông nghiệp, xây dựng được bộ chỉ thị chính thức phù hợp với điều kiện tỉnh Tây Ninh. Kết quả xây dựng được bộ chỉ thị bao gồm 13 chỉ thị, trong đó lĩnh vực kinh tế 3 chỉ thị, lĩnh vực xã hội 5 chỉ thị, lĩnh vực tài nguyên và môi trường 5 chỉ thị. Căn cứ vào điều kiện thực tiễn tỉnh Tây Ninh lựa chọn 4 loại hình sử dụng đất canh tác chính tương ứng với từng đơn vị đất đai, cập nhật dữ liệu cho bộ chỉ thị, áp dụng kỹ thuật chuẩn hóa dữ liệu bằng tỷ số chênh lệch đưa tấc cả dữ liệu về cùng giá trị, tiến hành so sánh sơ bộ hiệu quả sử dụng các loại hình sử dụng đất. Việc xây dựng bộ chỉ thị có thể giúp cho các địa phương có thêm công cụ và phương pháp đo lường trong việc áp dụng đánh giá tính bền vững sử dụng đất nông nghiệp nói riêng và đóng góp cho các nghiên cứu tiếp theo về khoa học phát triển bền vững nói chung.

Xem thêm tại: https://doi.org/10.32508/stdjsee.v6i1.690

 

8. Trương Công Phú, Chế Đình Lý, Bùi Xuân An (2022), Ứng dụng mô hình Nhận biết thuộc tính để đánh giá tính bền vững trong sử dụng đất tại tỉnh Tây Ninh.

Tóm tắt: Mục đích bài báo là áp dụng mô hình nhận biết thuộc tính đánh giá tính bền vững 4 loại hình sử dụng đất canh tác chính tỉnh Tây Ninh trên cơ sở chọn lọc các chỉ thị, cập nhật dữ liệu và áp dụng nguyên lý thống kê để phân chia cấp độ bền vững, sử dụng các công thức của mô hình ARM tính toán phân bậc bền vững từng mặt và bền vững tổng hợp. Kết quả về mặt kinh tế thì mía là loại hình canh tác thể hiện bền vững nhất với xác suất tuyệt đối 1,0 và kém bền vững nhất là loại hình khoai mì với xác suất 0,5. Về mặt xã hội thì cao su, khoai mì và mía thể hiện rõ nhất ở bậc rất bền vững với xác suất lần lượt là 0,4; 0,48 và 0,42; về mặt tài nguyên và môi trường thì hầu hết 4 loại hình sử dụng đất thể hiện ở bậc bền vững yếu và trung bình. Kết quả tính bền vững tổng hợp ở cả ba mặt kinh tế, xã hội và tài nguyên môi trường thì mía là loại cây trồng thể hiện rõ ở bậc rất bền vững, lúa – màu thể hiện ở bậc bền vững khá, cao su và khoai mì bậc bền vững trung bình. Đã chỉ ra được các chỉ thị kém bền vững cần cải thiện theo lộ trình, bên cạnh các chỉ thị cần giữ vững ở mức bền vững khá, đồng thời cũng đã phân tích nguyên nhân kém bền vững lớn nhất đối với lĩnh vực kinh tế là vấn đề thương lái và giá bán, về mặt môi trường là việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và phân bón hóa học. Kết quả nghiên cứu bài báo sẽ là cơ sở khoa học quan trọng trong công tác quản lý và sử dụng đất nông nghiệp tỉnh Tây Ninh nói riêng và địa phương khác trong cả nước nói chung.

Xem thêm tại: https://doi.org/10.32508/stdjsee.v6i1.691

 

9. Lương Đức Thiện, Nguyễn Văn Tú (2022), Đánh giá hiện trạng kỹ thuật dẫn dụ chim yến nhà (Aerodramus Fuciphagus Amechanus) và ảnh hưởng của cưởng độ phát loa dẫn dụ chim yến đến dân cư vùng nuôi ở các khu vực nuôi yến trọng điểm tại Tp. Hồ Chí Minh

Tóm tắt: Bài báo trình bày kết quả đánh giá hiện trạng kỹ thuật dẫn dụ chim yến nhà, công nghệ vận hành nhà yến bằng phương pháp PRA kết hợp khảo sát trực tiếp nhà nuôi chim yến ở các khu vực nuôi chim yến trọng điểm tại Tp. HCM. Kết quả cho thấy số lượng nhà yến tập trung chủ yếu tại huyện Cần Giờ với 481 nhà yến, phương thức dẫn dụ kết hợp giữa âm thanh và phân chiếm tỷ lệ cao nhất trong các phương thức với 37,14%. Loại âm thanh thường được sử dụng nhiều nhất là âm thanh của quần đàn yến được sử dụng bên ngoài với 74,29%, tiếng kêu của chim con (tiếng ru) được sử dụng nhiều nhất bên trong với 74,29%. Số hộ phát loa dẫn dụ hàng ngày bên trong là 94,29% và thời gian phát là 19,84 giờ. Trong khi đó phát loa dẫn dụ bên ngoài là 91,43% và thời gian phát là 12,17 giờ, hệ thống âm thanh có xuất xứ từ Việt Nam và Malaysia. Đa số các nhà yến đều có hệ thống đo nhiệt độ trong nhà yến (82,86%) và phần lớn là tự động (77,14%). Việc đánh giá độ ồn từ loa dẫn dụ nhà nuôi chim yến bằng máy đo độ ồn cầm tay SL4202 đo tiếng ồn theo Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 7878-1:2008 cho thấy độ ồn TB tại khu vực nhà nuôi yến ở Cần Giờ và xã Long Phước, quận 9 cao hơn QCVN 26 lần lượt là 1,1 và 1,4 DBA.

Xem thêm tại: https://doi.org/10.32508/stdjsee.v6i1.694