Trang chủ Đào tạo Luận án Tiến sĩ

NCS Nguyễn Thị Thu Thảo bảo vệ thành công LATS cấp ĐVCM với 03 công bố quốc tế Q1 thuộc WoS có IF cao nhất 11.07



Kết quả của nghiên cứu của Luận án được đánh giá rất cao tại Hội đồng do tính thực tiễn và tính khoa học cao của chủ đề nghiên cứu, Luận án có trình độ so sánh tương đương với các Luận án tiến sĩ được đào tạo ở các nước phát triển, và phản ánh xu hướng về uy tín và chất lượng đào tạo Sau Đại học ngày càng tăng tại Viện MT&TN – ĐHQG-HCM.


Dưới sự hướng dẫn khoa học của GS.TS. Lê Thanh Hải, sáng thứ Tư, ngày 24/5/2023, NCS Nguyễn Thị Thu Thảo đã bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ kỹ thuật cấp Đơn vị chuyên môn (ĐVCM) tại Hội đồng chấm Luận án Viện Môi trường và Tài nguyên, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, ngành Quản lý tài nguyên và môi trường, Mã ngành: 9.85.01.01. Đây là lần đầu tiên tại Viện MT&TN có một NCS bảo vệ LATS cấp ĐVCM là tác giả chính của 03 công bố quốc tế với thứ hạng cao (Q1,  thuộc danh mục Web of Science, với tổng chỉ số IF hơn 20, trong đó có 01 công bố Q1 có chỉ số IF = 11.07, và 02 công bố Q1 có chỉ số IF = 4.5). Ngoài ra, NCS còn có 03 công bố trên các tạp chí trong nước thuộc các tạp chí trong danh mục của HĐGSNN.

 

PGS.TS. Châu Nguyễn Xuân Quang, chủ tịch Hội đồng đã điều khiển phiên họp. Hai người giới thiệu của luận án tiến sĩ là GS.TS. Nguyễn Phước Dân (Trường ĐH Bách Khoa, ĐHQG-HCM) và PGS.TS. Trương Thanh Cảnh (Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐHQG-HCM). Hội đồng có sự tham gia của ba ủy viên là PGS.TS. Lê Văn Khoa (Trường ĐH Bách Khoa, ĐHQG-HCM), PGS. TS. Lê Thị Kim Oanh (Trường ĐH Văn lang TPHCM), TS. Thái Vũ Bình cùng thư ký hội đồng là TS. Hồ Minh Dũng (Viện MTTN – ĐHQG-HCM). Buổi bảo vệ đã diễn ra long trọng với sự tham gia của GVHD, cán bộ khoa học, NCS, HVCH trong và ngoài Viện.

 

Hính 1. PGS.TS. Châu Nguyễn Xuân Quang - Chủ tịch Hội đồng (đánh giá LATS cấp ĐVCM) điều khiển phiên họp

 

Hình 2. NCS Nguyễn Thị Thu Thảo báo cáo LATS trước Hội đồng đánh giá LATS cấp ĐVCM

 

Sinh kế của người dân tại vùng phèn ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) phần lớn phụ thuộc vào hoạt động nông nghiệp nhưng bị giới hạn bởi sự bất lợi của đất bị chua phèn. Để có thể phát triển sinh kế vùng phèn cần đánh giá đầy đủ hiệu quả sử dụng tất cả các nguồn tài nguyên sẵn có. Việc tận dụng tài nguyên nói chung và chất thải nói riêng, chẳng hạn như thu hồi hoặc tái tạo chất thải tạo ra các giá trị gia tăng là yêu cầu và xu hướng tất yếu của phát triển bền vững, và cũng là giải pháp thông minh để cải tạo đất và nước nhiễm phèn. Do đó, đề tài “Nghiên cứu xây dựng mô hình sinh thái tích hợp nhằm phát triển bền vững sinh kế gắn với hệ sinh thái đặc thù trên nền đất phèn ở đồng bằng sông Cửu Long” đã được NCS Nguyễn Thị Thu Thảo chọn nghiên cứu cho LATS, nghiên cứu đã tập trung xây dựng mô hình tích hợp giữa sinh kế truyền thống tại vùng phèn ĐBSCL với các giải pháp tận dụng tất cả tài nguyên từ sinh kế bao gồm cả chất thải từ sinh kế và hệ sinh thái. Các sản phẩm được tạo ra từ mô hình sẽ giúp tăng cường thu nhập và cải thiện chất lượng vùng phèn hướng đến bền vững sinh kế nông hộ.

 

Luận án đã bổ sung cơ sở lý thuyết về xây dựng mô hình sinh kế nông hộ tích hợp, phát huy sinh kế truyền thống và bổ sung yếu tố mới theo cách tiếp cận sinh thái nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế và môi trường. Kết quả của luận án giúp cho các nhà quản lý đưa ra các biện pháp quy hoạch sử dụng tài nguyên nông nghiệp vùng phèn một cách hợp lý cho phát triển sinh kế bền vững, tăng cường lợi ích kinh tế cho nông dân và lợi ích sinh thái cho người dân trong khu vực.

 

Hình 3. Các giải pháp và xu hướng thu hồi tài nguyên của một hệ thống nông nghiệp tích hợp quy mô nông hộ tại vùng phèn ở ĐBSCL

 

Các kết quả đạt được của luận án: đã xây dựng được mô hình sinh kế theo định hướng sinh thái tích hợp cho các nông hộ vùng phèn ĐBSCL; Phát triển một khung nghiên cứu dựa trên quan điểm cải tiến liên tục của chu trình PDCA và công cụ LCA nhằm lựa chọn mô hình sinh thái tích hợp tối ưu về kinh tế và môi trường.

 

Hội đồng chấm luận án cấp ĐVCM đã đánh giá cao kết quả của luận án, NCS đã có 06 công bố liên quan đến luận án trong đó có 03 công bố quốc tế gồm 01 bài trên tạp chí Journal of Cleaner Production (Q1, IF=11.07), và 02 bài trên tạp chí Energy, Sustainability and Society (Q1, IF=4.5) và 03 công bố trong nước tại Tạp chí Phát triển Khoa học và Công nghệ ĐHQG-HCM (Khoa học Trái đất và Môi trường), và Tạp chí Khoa học Giáo dục Kỹ thuật (đều thuộc danh mục theo qui định của HĐGSNN). Luận án hội đủ các điều kiện cần thiết đối với luận án tiến sĩ và đồng ý cho NCS bảo vệ LATS cấp Viện sau khi chỉnh sửa và bổ sung theo góp ý của Hội đồng. Kết quả của nghiên cứu của Luận án được đánh giá rất cao tại Hội đồng do tính thực tiễn và tính khoa học cao của chủ đề nghiên cứu, Luận án có trình độ so sánh tương đương với các Luận án tiến sĩ được đào tạo ở các nước phát triển, và phản ánh xu hướng về uy tín và chất lượng đào tạo Sau Đại học ngày càng tăng tại Viện MT&TN – ĐHQG-HCM.

 

Hình 4. Các thành viên Hội đồng, GVHD và NCS chụp hình sau khi kết thúc buổi bảo vệ

Thông tin khác