Trang chủ Đào tạo Luận án Tiến sĩ

Nghiên cứu sinh Võ Văn Giàu bảo vệ thành công LATS cấp ĐVCM



Kết quả nghiên cứu của Luận án được đánh giá cao tại Hội đồng do tính thực tiễn và ý nghĩa khoa học của chủ đề nghiên cứu.


Dưới sự hướng dẫn khoa học của GS.TS. Lê Thanh Hải, chiều thứ Sáu, ngày 03/11/2023, NCS Võ Văn Giàu đã bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ kỹ thuật cấp Đơn vị chuyên môn (ĐVCM) tại Hội đồng chấm Luận án tiến sĩ  Viện Môi trường và Tài nguyên, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, chuyên ngành Quản lý tài nguyên và môi trường, Mã số: 62.85.01.01

 

GS.TS. Nguyễn Phước Dân, chủ tịch Hội đồng đã điều khiển phiên họp. Hai người giới thiệu của luận án tiến sĩ là PGS.TS. Trương Thanh Cảnh (Trường ĐH KHTN, ĐHQG-HCM) và PGS.TS. Lê Thị Kim Oanh (Trường ĐH Văn Lang). Hội đồng có sự tham gia của ba ủy viên là PGS.TS. Phùng Chí Sỹ (Trung tâm Công nghệ môi trường ENTEC), TS. Thái Vũ Bình (Viện Môi trường và Tài nguyên, ĐHQG-HCM), TS. Đỗ Thị Thu Huyền (Viện Môi trường và Tài nguyên, ĐHQG-HCM) cùng thư ký hội đồng là TS. Hồ Minh Dũng (Viện Môi trường và Tài nguyên, ĐHQG-HCM). Buổi bảo vệ đã diễn ra long trọng với sự tham gia của GVHD, cán bộ khoa học, NCS, HVCH trong và ngoài Viện.

 

Hính 1. GS.TS. Nguyễn Phước Dân - Chủ tịch Hội đồng (đánh giá LATS cấp ĐVCM) điều khiển phiên họp

 

Ngành sản xuất tinh bột khoai mì là ngành sản xuất trọng điểm của Tây Ninh, tuy nhiên chuỗi sản xuất này cũng gây ra nhiều tác động tiêu cực tới môi trường. Kinh tế tuần hoàn là cách tiếp cận hiện nay trong phát triển bền vững, triển khai áp dụng kinh tế tuần hoàn mang lại nhiều lợi ích như giảm chi phí vận hành, góp phần đáp ứng yêu cầu pháp luật về bảo vệ môi trường, tạo hình ảnh tốt cho doanh nghiệp, giảm nguyên liệu, giảm chất thải, giảm rủi ro và tăng an toàn đối với môi trường và xã hội. Từ các vấn đề ở trên là cơ sở để NCS thực hiện Luận án “Nghiên cứu đề xuất mô hình và giải pháp quản lý môi trường tối ưu cho chuỗi sản xuất khoai mì trên địa bàn tỉnh Tây Ninh”.

 

Hình 2. NCS Võ Văn Giàu báo cáo LATS trước Hội đồng đánh giá LATS cấp ĐVCM

 

Với mục tiêu của luận án là đưa ra được mô hình sản xuất phù hợp, bền vững và gắn với BVMT cho chuỗi sản xuất ngành tinh bột khoai mì phù hợp với điều kiện của tỉnh Tây Ninh. Nghiên cứu đã áp dụng các phương pháp phân tích đa tiêu chí, phương pháp quy hoạch toán học, các kỹ thuật – hệ thống không phát thải và các khái niệm về kinh tế tuần hoàn. Kết quả áp dụng tích hợp đã xây dựng được 01 mô hình sản xuất theo hướng tuần hoàn, không phát thải cacbon cho cả chuỗi sản xuất mì tại Tây Ninh, 01 mô hình cộng sinh công nông nghiệp tích hợp hướng không phát thải và 01 bộ giải pháp, kỹ thuật sẵn có tốt để giảm thiểu ô nhiễm cho nhà máy tinh bột mì. Với mô hình tuần hoàn, các đầu vào của chuỗi giảm thiểu đến mức thấp nhất và đạt được mục tiêu zero điện, zero chất thải, zero năng lượng hóa thạch.

 

Hội đồng chấm luận án cấp ĐVCM đã đánh giá cao kết quả của luận án, NCS đã có 04 công bố liên quan đến luận án trong đó có 01 công bố quốc tế (Tạp chí Environmental Engineering Research, SCIE, IF= 3.932) và 03 công bố trong nước tại Tạp chí Phát triển Khoa học và Công nghệ ĐHQG-HCM (chuyên san Khoa học Trái đất và Môi trường) và Tạp chí Môi trường (đều thuộc danh mục theo qui định của HĐGSNN). Luận án hội đủ các điều kiện cần thiết đối với luận án tiến sĩ và đồng ý cho NCS bảo vệ LATS cấp Viện sau khi chỉnh sửa và bổ sung theo góp ý của Hội đồng.

 

 

 

Hình 3. Các thành viên Hội đồng đọc nhận xét LATS của NCS Võ Văn Giàu

 

Hình 4. Các thành viên Hội đồng, GVHD và NCS chụp hình sau khi kết thúc buổi bảo vệ

Thông tin khác