Trang chủ Nghiên cứu khoa học Thông tin hoạt động KHCN

Hoạt động khoa học công nghệ nổi bật trong năm 2018



Trong năm 2018, Viện Môi trường và Tài nguyên đã có nhiều nỗ lực trong việc thực hiện các hoạt động theo chức năng nhiệm vụ được giao. Cả 04 mảng hoạt động chuyên môn chính gồm: đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyên giao công nghệ và quan trắc môi trường quốc gia đều đạt được nhiều kết quả khả quan. Trong đó, hai hoạt động, sự kiện nổi bật trong năm như sau:


 1. Hoạt động nghiên cứu khoa học phục vụ phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng BĐKH. 

Trên tinh thần kết luận của Thủ tướng chính phủ tại Hội nghị về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH) tháng 9/2017, Viện đã và đang triển khai nhiều đề tài, dự án khoa học công nghệ phục vụ tích cực cho nhiệm vụ bảo vệ môi trường, thích ứng BĐKH tại các tỉnh ĐBSCL. Tiếp nối thành công của đề tài cấp nhà nước năm 2016 “Nghiên cứu ứng dụng và triển khai một số mô hình không phát thải hướng tới ngăn ngừa ô nhiễm cho cụm dân cư nông thôn vùng Đồng bằng sông Cửu Long” đã được hội đồng nghiệm thu cấp nhà nước đánh giá xuất sắc và tạo ra được nhiều sản phẩm ứng dụng thực tiễn thúc đẩy công tác bảo vệ môi trường làng nghề của Vùng.
 
Nhìn chung hiện nay làng nghề ĐBSCL đã và đang gây tác động xấu đến môi trường. Hầu hết các nguồn thải tại các làng nghề chưa được xử lý. Các làng nghề ở ĐBSCL còn gặp nhiều khó khăn trong quản lý và xử lý ô nhiễm môi trường. Do đó, nhóm nghiên cứu Viện Môi trường và Tài nguyên đã xây dựng nên mô hình sản xuất theo hướng sinh thái khép kín tổng quát cho các hộ dân làng nghề ĐBSCL với sự kết hợp giữa điều kiện sinh thái sẵn có của hộ gia đình, các giải pháp thu hồi, tái sử dụng chất thải và các giải pháp xử lý cuối đường ống (khí thải, nước thải). 
 
 
Hình 1 Mô hình sinh thái khép kín tổng quát cho các hộ dân ở làng nghề ĐBSCL
 
Trong năm 2018, Viện Môi trường và Tài nguyên tiếp tục được giao thực hiện 03 nhiệm vụ cấp nhà nước phục vụ phát triển bền vững tại vùng ĐBSCL. Ngoài ra Viện cũng đã triển khai nhiều dự án tại các địa phương khác nhau trong vùng như thành phố Cần Thơ, tỉnh An Giang, tỉnh Tiền Giang, tỉnh Bến Tre. 
 
 
Hình 2. Mô hình sinh thái làng nghề dệt nhuộm chiếu xã Định An, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp
 
Các đề tài nghiên cứu của Viện hướng đến nhiều lĩnh vực khác nhau như kiểm soát ô nhiễm không khí, thích ứng với BĐKH, sinh kế xanh, nông nghiệp bền vững, công nông nghiệp không phát thải, công nghệ sinh học xử lý chất thải, giảm thiểu chất thải phù hợp với điều kiện đặc thù của vùng ĐBSCL… đã đáp ứng được định hướng của ĐHQG-HCM về “Nghiên cứu đỉnh cao phục vụ cộng đồng”. 
 
Hình 3 Mô hình tích hợp gắn với BVMT cho hộ điển hình tại làng nghề sản xuất bột kết hợp chăn nuôi heo xã Tân Phú Trung, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp
 
Các đề tài nhiệm vụ khoa học công nghệ của Viện thực hiện trên địa bàn ĐBSCL vừa đóng góp vào thành tích nghiên cứu khoa học đỉnh cao của ĐHQG-HCM thông qua các công trình công bố khoa học trong nước và quốc tế chất lượng mà còn tạo ra các sản phẩm phục vục công tác BVMT của các địa phương, hỗ trợ tích cực các địa phương hành động hướng đến mục tiêu phát triển bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó các đề tài, dự án khoa học công nghệ của Viện cũng góp phần tham gia và thúc đẩy thực hiện các thỏa thuận hợp tác đã được ký kết giữa Đại học Quốc gia TPHCM và một số tỉnh thành trong khu vực như tỉnh An Giang.  
 
 
Hình 4 Mô hình tích hợp ngăn ngừa và giảm thiểu ô nhiễm môi trường cho hộ điển hình tại làng nghề sản xuất thạch dừa thô xã Nhơn Thạnh, Tp.Bến Tre
 
Do vậy có thể nói, các hoạt động khoa học công nghệ Viện Môi trường và Tài nguyên thực hiện tại Vùng ĐBSCL trong thời gian qua là một trong những thành tích nổi bật và đóng góp tích cực của Viện trong công cuộc BVMT hướng đến PTBT vùng ĐBSCL. 
 
2. Hoạt động chuyển giao công nghệ đóng góp vào sự nghiệp BVMT: 
 
Trung tâm Công nghệ môi trường (CEFINEA), Viện Môi trường và Tài nguyên được biết đến là một trong những đơn vị hàng đầu trong lĩnh vực xử lý nước thải cho những ngành xử lý nước thải đặc trưng như: mía đường, dệt nhuộm,… Ngoài ra, CEFINEA cũng thực hiện chuyển giao, tư vấn thành công các công trình xử lý thuộc nhiều ngành nghề khác như: thủy sản, thực phẩm, hóa chất,… CEFINEA đã và đang triển khai nhiều hợp đồng về tư vấn đánh giá tác động môi trường cho các dự án lớn; thiết kế, thi công các công trình xử lý nước cấp và nước thải cho các dự án trong và ngoài nước có giá trị lớn. Các hoạt động tư vấn, xây dựng, lắp đặt, chuyển giao khoa học công nghệ đã thực hiện trong thời gian qua là một trong những thành tích nổi bật và đóng góp tích cực của Trung tâm Công nghệ Môi trường cho hoạt động chung của Viện Môi trường và Tài nguyên nói riêng và cho lĩnh vực bảo vệ môi trường nói chung, góp phần đóng góp vào công cuộc cải thiện, bảo vệ môi trường hướng đến phát triển bền vững trong hiện tại và tương lai. Một số hoạt động tiêu biểu có thể kể đến như: 
- Cung cấp vật tư, thiết bị và thi công lắp đặt Hệ thống XLNT và XL khí thải cho 13 Trạm trung chuyển rác trên địa bàn TPHCM Ban Quản Lý Khu Liên Hợp Xử Lý Thành Phố (MBS);
- Thiết kế, cung cấp vật tư thiết bị, thi công lắp đặt, đào tạo vận hành, chuyển giao công nghệ và hoàn thiện thủ tục pháp lí đưa công trình đi vào hoạt động hệ thống xử lý nước thải dệt nhuộm công suất 2.950 m3/ngày Công ty CP Dệt may Nha Trang;
- Thiết kế, thi công lắp đặt hệ thống xử lý nước thải thứ cấp Nhà máy sản xuất Ethanol công suất 4.200 m3/ngày cho Công ty cổ phần Toyo Thái;
- Thiết kế công nghệ, thiết kế thi công, cung cấp lắp đặt phần thiết bị, xin giấy phép để đưa công trình vào hoạt động, chuyển giao công nghệ HTXLNT cho Công ty CP Đường Ninh Hòa, giai đoạn 2 và 3: công suất 3.400 m3/ngày;
- Nâng cấp hệ thống xử lý nước cấp công suất 5.000 m3/ngày và hệ thống làm mềm nước công suất 100 m3/h Công ty Cp Dệt may Nha Trang;
- Thiết kế, xây dựng, cung cấp vật tư thiết bị, thi công lắp đặt, đào tạo vận hành, chuyển giao công nghệ hệ thống xử lý nước sông và nước giếng công suất 5.000 m3/ngày Công ty TNHH Hùng Vương – Sadec.