Trang chủ Nghiên cứu khoa học Thông tin hoạt động KHCN

Nghiệm thu kết quả thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học



Nghiên cứu xây dựng giải pháp tổng hợp nhằm quản lý bền vững nguồn nước lưu vực kênh Năng

Mã số đề tài: ĐTKTCN 05/19


     Theo Quyết định số 226/QĐ-KH&CN ngày 29 tháng 11 năm 2022 của Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Tiền Giang, hội đồng tư vấn đánh giá, nghiệm thu nhiệm vụ Nghiên cứu xây dựng giải pháp tổng hợp nhằm quản lý bền vững nguồn nước lưu vực kênh Năng được tổ chức vào ngày 24/12/2022, tại Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Tiền Giang.

     Hội đồng nghiệm thu gồm các thành viên: ThS.Dương Văn Bon - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ - Chủ tịch hội đồng; TS. Tô Quang Toản  - Uỷ viên phản biện 1; ThS. Phạm Thanh Nhã – Uỷ viên phản biện 2; TS. Nguyễn Văn Khang – Chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học và Kỷ thuật Tiền Giang – Ủy viên và các ủy viên khác là Đại diện lãnh đạo các Sở ban ngành trên địa bàn tỉnh.

     Tại hội đồng, GS.TS Lê Thanh Hải – Viện trưởng Viện Môi trường và Tài nguyên - Chủ nhiệm đề tài, ThS - NCS Hồ Thị Thiên Kim – Đồng chủ nhiệm, và anh Nguyễn Văn Hùng – Đại diện Đài khí Khí tượng Thủy văn Khu vực Nam bộ đã trình bày báo cáo tổng kết nhiệm vụ, đồng thời giải trình và tiếp thu các ý kiến của các nhà khoa học cũng như các Ủy viên. Các kết quả nổi bật của đề tài là:

     - Đã thu thập, tổng hợp tài liệu, số liệu, điều tra khảo sát thực địa,đánh giá các nguồn thải, đánh giá tài nguyên nước các khu vực thuộc lưu vực kênh Năng gồm: hiện trạng phát triển kinh tế xã hội, khí tượng thủy văn, hiện trạng thủy lợi của các xã thuộc lưu vực kênh Năng, hiện trạng các nguồn thải chính từ hoạt động nông lâm thủy sản, thương mại – dịch vụ, công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp của các xã thuộc lưu vực kênh Năng, quy hoạch kinh tế xã hội (nông lâm thủy sản, thương mại – dịch vụ, công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp), quy hoạch thủy lợi của các xã thuộc lưu vực kênh Năng và vùng lân cận, các kịch bản biến đổi khí hậu có khả năng tác động lên các khu vực thuộc lưu vực kênh Năng, hiện trạng về mặt cắt, dòng chảy,… của hệ thống kênh Năng và các kênh liên quan (không đo đạc, chỉ kế thừa số liệu từ các sở ngành và các dự án đã triển khai), hiện trạng và dự báo chất lượng nước của các tỉnh lân cận để phục vụ đánh giá và dự báo trong mối liên hệ vùng, hiện trạng tài nguyên thực vật có khả năng tham gia vào quá trình xử lý chất thải và tạo sinh kế cho người dân khu vực, đánh giá các nguồn thải. Từ đó, đánh giá hiện trạng tác động môi trường và dự báo phát thải, sức chịu tải, khả năng tự làm sạch lưu vực kênh Năng, tỉnh Tiền Giang.

     - Với cách tiếp cận rõ ràng dựa trên cơ sở lý luận (nền tảng mô hình VACBNXT) và thực tiễn (hiện trạng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương), nhóm thực hiện đã xây dựng được phương pháp luận phù hợp cho các mô hình ngăn ngừa, giảm thiểu và xử lý ô nhiễm hướng tới không phát thải cho dân cư nông thôn lưu vực kênh Năng. Phương pháp luận giúp đánh giá, lựa chọn các thành phần của mô hình này áp dụng cho từng khu/cụm dân cư để lựa chọn các giải pháp phù hợp với từng mô hình suy biếntừng thành phần bổ sung để vẫn duy trì hiệu quả của mô hình, từ đó phát huy hiệu quả khả năng biến chuyển của mô hình đồng thời khắc phục các hạn chế còn tồn tại của mô hình khi áp dụng thực tế cho các đối tượng khác không phải làng nghề, trong nghiên cứu này là tích hợp các yếu tố công – nông nghiệp tại lưu vực kênh Năng; Đồng thời, dựa trên cách tiếp cận của đề tài đã đề xuất đề xuất bộ tiêu chí, quy trình, công cụ/ mô hình để xét duyệt đối với từng dự án công nghiệp đầu tư vào lưu vực kênh Năng. Từ đó, nghiên cứu được danh mục các dự án cần đầu tư, hạn chế đầu tư vào khu vực này.

     - Đề xuất được 14 giải pháp quản lý và kỹ thuật tổng hợp nhằm ngăn ngừa, kiểm soát ô nhiễm và giải pháp kỹ thuật để phát triển các mô hình sinh kế hướng đến ngăn ngừa, giảm thiểu ô nhiễm cho nguồn nước mặt lưu vực kênh Năng bộ tiêu chí xét duyệt đối với từng  dự án công nghiệp đầu tư, các mô hình ngăn ngừa, kiểm soát ô nhiễm cùng với các bộ hồ sơ thiết kế, bản vẽ cho các chuỗi sinh kế đặc trưng tại khu vực trong lĩnh vực: trồng trọt và lâm nghiệp, thủy sản, chăn nuôi, cơ sở lưu trú và dịch vụ khác ...;

     - Áp dụng các mô hình đề xuất đã triển khai thành công 03 mô hình tích hợp gồm: Mô hình tích hợp Công nghiệp – Chăn nuôi – Trồng trọt, Mô hình tích hợp Công nghiệp – Dịch vụ – Trồng trọt, Mô hình tích hợp Công nghiệp – Lâm nghiệp – Dân sinh. Ngoài hiệu quả thực tế từ mô hình (khả năng tích hợp, môi trường, kinh tế, sinh kế, xã hội, khả năng nhân rộng) thì các mô hình còn giúp người dân địa phương cũng như cán bộ quản lý nhận thức sâu sắc được các lợi ích mà mô hình mang lại và có định hướng duy trì, nhân rộng mô hình một cách cụ thể, rõ ràng. Trong đó, Mô hình tích hợp Công nghiệp – Chăn nuôi – Trồng trọt hiệu quả nhất do phù hợp với phần lớn sinh kế của người dân nông thôn khu vực kênh Năng; Đồng thời, mô hình tạo ra nguồn sinh kế ổn định và những sinh kế mới phù hợp với điều kiện sản xuất của địa phương.

     Ngoài ra các sản phẩm khác của đề tài như công bố khoa học, giải pháp hữu ích, hỗ trợ đào tạo,… là nguồn dữ liệu phục vụ cho hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và đào tạo nhân lực, góp phần chung vào công cuộc BVMT và phát triển bền vững. Bên cạnh đó, các mô hình thí điểm của đề tài đã tạo ra những sản phẩm thực tế có khả năng chuyển giao cho người dân có hoạt động sản xuất nông nghiệp tại khu vực để nâng cao thu nhập cho người dân như: biochar, đạm cá, phân compost, trùn quế, ...

     Theo kết luận tại Hội đồng nghiệm thu, Chủ tịch hội đồng và các Ủy viên đã đánh giá cao những đóng góp về mặt khoa học và thực tiễn đã đạt được của đề tài. Hội đồng thống nhất nghiệm thu và đánh giá Đề tài đã hoàn thành các mục tiêu và nội dung nghiên cứu đã đặt ra.

    Một số hình ảnh của đề tài:

1. Hội đồng nghiệm thu đề tài:

2. Đại diện Sở Khoa học và Công nghệ kiểm tra mô hình thí điểm:

3. Đo thông số thủy văn, dẫn mốc độ cao:

4. Một số hình ảnh vận hành mô hình thí điểm: